Phố Wall đóng cửa gần như không đổi trong phiên cuối tuần (Ảnh: AFP)

Phố Wall đóng cửa gần như không đổi trong phiên cuối tuần (Ảnh: AFP)

Dow Jones tiếp tục lập đỉnh, vàng không đủ lực để bứt phá

(ĐTCK) Dù chịu ảnh hưởng với các thông tin về đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ và khủng bố tại Pháp, nhưng Dow Jones vẫn duy trì được đà tăng để thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Trong khi đó, dù nhận các thông tin hỗ trợ trên, giá vàng cũng không đủ lực để bứt phá.

Theo dữ liệu vừa công bố, doanh số bán lẻ của Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 6, củng cố quan điểm cho rằng tăng trưởng kinh tế phục hồi trong quý II.

Dữ liệu kinh tế khả quan giúp phố Wall tiếp tục tích cực trong phiên cuối tuần, tuy nhiên, về cuối phiên, các chỉ số hãm đà tăng, trong đó S&P 500 và Nasdaq quay đầu giảm nhẹ, trong khi Dow Jones chỉ giữ được sắc xanh nhạt sau thông tin về cuộc đảo chính xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và trước đó là vụ khủng bố tối 14/7 tại Pháp.  Dù có mức nhẹ, nhưng cũng đủ để giúp Dow Jones tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Dow Jones tăng 10,14 điểm (+0,05%), lên 18.516,55 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,01 điểm (-0,09%), xuống 2.161,74 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 4,47 điểm (-0,09%), xuống 5.029,59 điểm.

Với những phiên khởi sắc trong tuần, phố Wall tiếp tục có tuần tăng tiếp theo với mức tăng khá tốt. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 2,04%, chỉ số S&P 500 tăng 1,49%, chỉ số Nasdaq tăng 1,47%.

Cuộc khủng bố tại Pháp tối 14/7 khiến cổ phiếu các công ty du lịch và giải trí châu Âu giảm mạnh trong phiên cuối tuần, qua đó tác động tiêu cực tới chứng khoán khu vực. Tuy nhiên, nhờ sự trở lại của giá dầu, chứng khoán châu Âu cũng không giảm quá mạnh.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,77 điểm (+0,22%), lên 6.669,24 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 1,4 điểm (-0,01%), xuống 10.066,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 13,01 điểm (-0,3%), xuống 4.372,51 điểm.

Cũng giống phố Wall, với các phiên tăng điểm ấn tượng, tuần qua tiếp tục ghi nhận phiên tăng điểm ấn tượng của các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán châu Âu. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,19%, chỉ số DAX tăng 4,54%, chỉ số CAC 40 tăng 4,34%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông tiếp tục có phiên tăng tiếp theo, trong đó chứng khoán Nhật Bản ghi nhận phiên tăng giá thứ 5 liên tiếp và qua đó xác lập tuần tăng điểm lớn nhất 6 năm rưỡi, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng có tuần tăng mạnh nhất từ tháng 4/2015.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 111,96 điểm (+0,68%), lên 16.497,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 98,19 điểm (+0,46%), lên 21.659,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,33 điểm (-0,01%), xuống 3.053,68 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 9,21%, chỉ số Hang Seng tăng 5,33%, chỉ số Shanghai Composite tăng 2,16%.

Cuộc khủng bố tại Pháp và đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ đã tạo động lực cho giá vàng đi lên trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, khi chứng khoán vẫn đang hấp dẫn, thì vai trò trú ẩn của vàng đang nhạt dần và khiến giá kim loại quý này không thể bứt phá trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 15/7, giá vàng giao ngay tăng 2,5 USD (+0,19%), lên 1.337,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 5,5 USD (+0,41%), lên 1.337,7 USD/ounce.

Dù tăng trong phiên cuối tuần, nhưng cũng không đủ giúp cho giá vàng tránh khỏi tuần giảm mạnh. Cụ thể, trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 2,07%, giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 2,37%.

Với diễn biến của giá vàng trong qua, giới phân tích có cái nhìn khá tiêu cực về xu hướng giá vàng trong tuần này, trong khi các nhà đầu tư lại có cái nhìn rất tích cực.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò tuần này, có 1.064 người tham gia, mức cao nhất kể từ tháng 4, trong đó có 738 người, chiếm 69% có quan điểm tích cực về giá vàng trong tuần này, 211 người, chiếm 20% dự báo giá sẽ giảm và 109 người, chiếm 10% giữ quan điểm trung lập.

Còn trong số 18 chuyên gia trả lời, chỉ có 5 người, chiếm 28% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, 7 người, chiếm 39% số người dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 6 người, chiếm 33% số người giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần sau thông tin về cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ, làm lo ngại gián đoạn nguồn cung dầu. Bởi eo biển Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, nối châu Á và châu Âu. Đây cũng là cung đường vận chuyển lớn lượng dầu xuất khẩu từ châu Á, châu Phi sang châu Âu.

Kết thúc phiên 15/7, giá dầu thô Mỹ tăng 0,27 USD/thùng (+0,59%), lên 45,95 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,24 USD (+0,5%), lên 47,61 USD/thùng. Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,19%, giá dầu thô Brent tăng 1,82%.

Tin bài liên quan