Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Dow Jones tiếp tục lập đỉnh, giá vàng gặp khó với Fed

(ĐTCK) Khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 đang lớn dần, gây áp lực lên giá vàng, cũng như chứng khoán. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu DuPont, Dow Jones vẫn có phiên thứ 9 liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử.

Sau khi thiết lập đỉnh cao lịch sử trong phiên thứ Ba, chỉ số S&P 500 và Nasdaq đảo chiều giảm nhẹ trong phiên thứ Tư sau biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được công bố có nhắc đến khả năng tăng lãi suất trong ngắn hạn.

Theo biên bản cuộc họp tháng 31/1 và 1/2 của Fed, một số nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết, đã đến thời điểm thích hợp để tiếp tục tăng lãi suất sớm với dữ liệu việc làm và lạm phát đã đến mức phù hợp với kỳ vọng.

Trước khi biên bản này được công bố, theo thăm dò các chuyên gia của Thomson Reuters, có 27% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 3 và 53% khả năng tăng trong cuộc họp tháng 5.

Trong khi S&P 500 và Nasdaq đảo chiều giảm điểm, thì Dow Jones vẫn duy trì đà tăng để phiên thứ 9 liên tiếp thiết lập đỉnh cao mới nhờ cổ phiếu của DuPont.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Dow Jones tăng 32,6 điểm (+0,16%), lên 20.775,60 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,56 điểm (-0,11%), xuống 2.362,82 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 5,32 điểm (-0,09%), xuống 5.860,63 điểm.

Trong khi chứng khoán Mỹ đảo chiều, thì chứng khoán châu Âu lại duy trì được đà tăng trong phiên thứ Tư và vẫn ở mức cao nhất 14 tháng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố như Lloyds, Telefonica Deutschland và Scor.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,42 điểm (+0,38%), lên 7.302,25 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 31,10 điểm (+0,26%), lên 11.998,59 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,12 điểm (+0,15%), lên 4.895,88 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục đảo chiều, nhưng ví trí đã được đổi cho nhau. Trong khi chứng khoán Nhật Bản và Trung Quốc đại lục điều chỉnh giảm nhẹ, thì chứng khoán Hồng Kông lại đảo chiều tăng mạnh, lấy lại hết cả vốn lẫn lãi đã “cho vay” trong phiên thứ Ba.

Chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm nhẹ trong phiên thứ Tư do đà giảm của đồng yên so với đồng USD chững lại, trong khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chứng khoán Trung Quốc đại lục điều chỉnh nhẹ do chịu tác động từ nhóm cổ phiếu ngân hàng khi cổ phiếu của Ngân hàng Jiangsu Wujiang giảm 9,1%, mức giảm mạnh nhất kể từ khi niêm yết cuối tháng 11/2016.

Trong khi đó, sau phiên điều chỉnh thứ Ba, chứng khoán Hồng Kông đã đảo chiều tăng mạnh trong phiên thứ Tư, lên mức cao nhất 18 tháng rưỡi nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu tài nguyên và tâm lý được giải tỏa bởi triển vọng tăng trưởng tốt của Thành phố và dòng tiền tiếp tục chảy mạnh từ Trung Quốc đại lục.

Kết thúc phiên 22/2, chỉ số Nikkie 225 giảm 11,57 điểm (-0,06%), xuống 19.379,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 238,33 điểm (+0,99%), lên 24.201,96 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,94 điểm (-0,15%), xuống 3.248,35 điểm.

Giá vàng có phiên giao dịch đầy biến động trong phiên thứ Tư. Giá kim loại quý tăng khá mạnh đầu phiên, nhưng sau đó quay đầu giảm nhanh trở lại sau biên bản cuộc họp mới nhất của Fed được công bố với việc một số nhà hoạch định chính sách ủng hộ việc tăng lãi suất. Dù vậy, về cuối phiên, giá vàng hồi phục và có được mức tăng nhẹ khi chốt phiên.

Kết thúc phiên 22/2, giá vàng giao ngay tăng 1,8 USD (+0,15%), xuống 1.237,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 5,6 USD (-0,45%), xuống 1.233,3 USD/ounce.

Trong khi đó, sau 3 phiên tăng liên tiếp, giá dầu thô đã đảo chiều giảm hơn 1% trong phiên thứ Tư bất chấp dữ liệu kho dự trữ của Mỹ trong tuần trước bất ngờ giảm.

Cụ thể, theo Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước giảm 884.000 thùng so với dự báo tăng 3,5 triệu thùng của giới phân tích. Trước đó, kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã có 6 tuần tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 22/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,74 USD/thùng (-1,37%), xuống 53,59 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 0,82 USD (-1,45%), xuống 55,84 USD/thùng.

Tin bài liên quan