Dow Jones 20.000 điểm: nhà đầu tư có nên ăn mừng?

Dow Jones 20.000 điểm: nhà đầu tư có nên ăn mừng?

(ĐTCK) Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) hay Dow đạt 20.000 điểm là giấc mộng bấy lâu của phố Wall sau hơn một thập kỷ Dow dao động trong biên độ hẹp ngay gần ngưỡng này. Hiện tại, giấc mơ của chỉ số 120 năm tuổi đã thành hiện thực, nhưng ở ngưỡng mới, giới đầu tư lại băn khoăn câu hỏi cần phải làm gì tiếp theo.

Chỉ số dành cho tất cả mọi người

Giới đầu tư luôn xảy ra xung đột tại mỗi thời điểm các chỉ số lớn đạt được những dấu mốc đáng chú ý. Trong khi đa phần thành viên thị trường tin rằng, các con số tròn thường chỉ gây ảnh hưởng về mặt tâm lý, họ vẫn tranh cãi về việc liệu yếu tố tâm lý này sẽ hỗ trợ đà tăng trong bao lâu.

“Đó là một dấu mốc tâm lý rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán (TTCK). Tuy nhiên, không phải chỉ việc đã đạt đến ngưỡng 20.000 điểm mà làm cách nào để giữ vững trên ngưỡng này mới tạo nên tín hiệu tâm lý mạnh cho thấy thị trường đang tăng trưởng bền vững”, Kate Moore, Chiến lược gia chứng khoán trưởng tại BlackRock cho biết.

Dow Jones 20.000 điểm: nhà đầu tư có nên ăn mừng? ảnh 1

David Donabedian, Trưởng bộ phận đầu tư Atlantic Trust cho biết: “Mọi người đều thích những con số tròn, coi đó là dấu mốc cho chặng đường phát triển của thị trường. Đối với các chuyên gia phân tích và chiến lược gia, điều này chỉ tạo ra chút ảnh hưởng trong ngắn hạn khi nó tạo ra động lực tích cực thúc đẩy thị trường. Chỉ cần thêm chút thời gian nhìn lại, bạn sẽ nhận ra đó chỉ là 1 con số”.

Bên cạnh đó, chỉ số 120 năm tuổi này gần đây đã bị “bỏ rơi” khi thị trường trở nên ưu ái hơn đối với chỉ số S&P 500. Cụ thể, 2.100 tỷ USD đầu tư vào các sản phẩm dựa trên chỉ số S&P 500 so với 39,2 tỷ USD dựa trên Dow Jones, theo số liệu của S&P Dow Jones Indices. Mặc dù vậy, Dow vẫn là một trong những chỉ số chứng khoán chính của Mỹ được theo dõi rộng rãi.

“Nó là thước đo giúp mọi người biết TTCK, phố Wall đang hoạt động như thế nào. Nếu S&P là dành cho nhà đầu tư tổ chức, thì Dow Jones dành cho tất cả mọi người”, Nicholas Colas, Chiến lược gia trưởng tại Convergex cho biết.

Tại sao Dow Jones đạt 20.000 điểm?

Sau 2 tháng chờn vờn, thậm chí có thời điểm đạt tới 19.999,63 điểm vào tháng 1/2017, cuối cùng Dow đã đạt được dấu mốc 20.000 điểm vào cuối tháng 1/2017.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones (DJIA) hay Dow được tạo thành từ 30 cổ phiếu niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) và NASDAQ do Công ty Dow Jones quản lý. Dow có vai trò như một thước đo cho toàn bộ thị trường Mỹ, bao gồm các ngành công nghiệp khác nhau như tài chính, công nghệ, giải trí, bán lẻ và tiêu dùng, thường được dùng là phong vũ biểu của cả TTCK và nền kinh tế Mỹ nói chung.

30 cổ phiếu này chiếm hơn 25% giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu giao dịch trên Sàn Giao dịch chứng khoán New York. Trong thế kỷ vừa qua, danh sách 30 cổ phiếu này luôn có sự thay đổi, duy chỉ có General Electric là trụ được từ lúc ban đầu cho đến nay. Các công ty lớn như General Motor, Coca-Cola, Microsoft cũng góp phần tạo nên chỉ số Dow ngày nay.

Diễn biến của chỉ số Dow chính là trung bình trọng số giá của 30 cổ phiếu. Khi chỉ số DJIA tăng 35 điểm, có nghĩa là để mua các cổ phiếu này vào 4:00 giờ chiều hôm nay (thời gian đóng cửa thị trường), nhà đầu tư sẽ phải tốn thêm 35 USD so với cùng thời điểm một ngày trước.

Cách tính này giải thích tại sao cổ phiếu Goldman Sach, cổ phiếu có mức giá cao nhất trong Dow, đóng góp lớn nhất vào thành tích đạt được cú mốc 20.000 điểm của Dow. 1% biến động của Goldman Sachs, hiện có giá vào khoảng 236 USD/cổ phiếu, dẫn tới thay đổi 16 điểm đối với Dow. Kể từ khi bầu cử Tổng thống Mỹ tới nay, Goldman đã tăng khoảng 30%.

Theo sau cổ phiếu Goldman là JPMorgan với mức tăng 23%, chưa kể UnitedHealth và Travelers tăng lần lượt 13% và 8,5%.

Bên cạnh đó, có một số sự khác biệt chính giữa 2 chỉ số tiêu chuẩn của chứng khoán Mỹ. Thứ nhất, Dow chỉ bao gồm cổ phiếu của 30 công ty so với con số 500 của S&P, điều này khiến Dow ít mang tính toàn diện và không phải thước đo hữu dụng đối với kinh tế Mỹ.

Cấu trúc của 2 chỉ số cũng khác nhau. Nếu như S&P 500 phản ánh giá trị thị trường của mỗi công ty thành viên, thì Dow thể hiện mức giá trị trung bình, khiến các công ty mạnh nhất có sức mạnh vượt trội hơn hẳn.

“Bởi vì giá cổ phiếu cao có trọng lượng lớn hơn giá trị của công ty với doanh thu và giá trị thị trường lớn hơn, nên chúng tôi cho rằng chỉ số này đã bị bóp méo”, Donabedian cho biết.

Tuy nhiên, điều này chỉ phản ánh một phần nhỏ của câu chuyện. Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là là yếu tố cốt lõi dẫn tới đà tăng của chỉ số Dow, cũng như nhiều chỉ số chứng khoán khác của Mỹ.

Dow vượt trội so với S&P 500

Chỉ số Dow đã tăng 8,3% kể từ bầu cử Tổng thống Mỹ, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,1% của chỉ số S&P 500. Một phần xuất phát từ lý do, các cổ phiếu tài chính nằm trong Dow nhận được lợi thế lớn hơn từ cuộc bầu cử Tổng thống, so với các cổ phiếu công nghệ, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong S&P 500.

“S&P 500 chiếm tỷ trọng lớn bởi cổ phiếu công nghệ và trong ngắn hạn, kể từ khi ông Trump lên làm tổng thống, công nghệ không phải là lĩnh vực được ưa chuộng. Trong khi đó, chỉ số Dow đa phần là cổ phiếu tài chính của các công ty lớn, rất nhiều trong số đó trở nên hấp dẫn hơn sau cuộc bầu cử, điển hình là Goldman Sachs”, Donabedian cho biết.

Cổ phiếu công nghệ chiếm khoảng 17% của Dow, trong khi chiếm hơn 1/5 tại S&P 500 và là nhóm lớn nhất. Trong khi đó, cổ phiếu tài chính chiếm khoảng 18% của Dow và 15% của S&P 500.

Dù Dow có đánh bại S&P 500 đi nữa, nó vẫn còn thua xa so với Russell 2000, chỉ số bao gồm các công ty vốn hóa nhỏ tại Mỹ. Chỉ số này đã tăng gần 15% kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

“Đây rõ ràng là sự ảnh hưởng từ Tổng thống Trump. Ông Trump được tin rằng sẽ giúp đồng USD mạnh hơn. Cùng với đó, các công ty vốn hóa nhỏ thường tập trung vào thị trường nội địa, vì vậy họ được lợi từ những chính sách mới mà không lo ngại đồng USD mạnh sẽ kéo giảm lợi nhuận”, Colas cho biết.

Triển vọng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn và mức lãi suất cao hơn giúp đồng USD lên mức cao nhất trong 14 năm qua, làm giảm lợi nhuận của các công ty đa quốc gia lớn khi đưa doanh thu từ nước ngoài về nhà.

Ngưỡng 20.000 điểm, nhà đầu tư nên làm gì?

Việc Dow đạt 20.000 điểm khiến thị trường nhớ lại quãng thời gian cổ phiếu đã từng đắt đỏ tới mức nào. Tất nhiên, giá trị cao không đồng nghĩa với thị trường sẽ sụp đổ. Nhiều chiến lược gia tin rằng, vụ sụp đổ năm 2000, sau bong bóng dotcom sẽ không sớm lặp lại trong thời gian tới.

“Dow đạt 20.000 điểm chỉ tác động tới tâm lý nhà đầu tư, không phải là một chỉ báo cho tương lai”, Ari Wald, Chiến lược gia tại Oppenheimer cho biết. Theo đó, nhà đầu tư nên nhìn lại các bài học trong lịch sử. Sau khi đạt được ngưỡng 10.000 điểm vào tháng 3/1999, chỉ số Dow đã thiết lập đỉnh mới 11.722,98 điểm vào tháng 1/2000 trước khi chịu tổn thương trong giai đoạn 2007 - 2009. Sau đó, chỉ số này mất hơn 11 năm để một lần nữa phá vỡ mốc 10.000 điểm vào tháng 8/2010.

Dựa vào diễn biến chỉ số, giá cả cổ phiếu trên thị trường, cũng như những dữ liệu lịch sử, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, đây không phải thời điểm tốt nhất để nhanh chóng tham gia thị trường một cách “quá khích”. Thời điểm tốt nhất để tiến hành rót vốn là khi thị trường đã nguội lại một chút .

Mark Arbeter, Chủ tịch Arbeter Investments cho rằng: “Tại thời điểm quan trọng này, tôi cho rằng thị trường sẽ có một nhịp ngừng. Trong năm 2017, chỉ số Dow có thể giữ vững mốc 20.000 điểm trước khi đạt đến mức đỉnh mới, cao hơn khoảng 10% trong năm tiếp theo. Mối đe dọa lớn nhất hiện tại là cổ phiếu của các nhà băng lớn tại Dow như Goldman Sachs và JPMorgan Chase sẽ bước vào một cuộc đua quá nóng”.

Tại Việt Nam, theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán MBS, việc Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ với các quan điểm điều hành mới thúc đẩy kỳ vọng của TTCK không chỉ tại Mỹ mà nhiều nước trên thế giới. Diễn biến đáng quan tâm là dòng tiền đầu tư đang và sẽ có xu hướng chuyển mạnh từ bán ròng trái phiếu sang mua cổ phiếu, với ước tính có khoảng 247 tỷ USD sẽ chạy khỏi thị trường trái phiếu và có khoảng 199 tỷ USD chảy vào TTCK toàn cầu. MBS cho rằng, các thị trường có mức tăng trưởng tốt trong năm 2016 như Thái Lan, Indonesia, Việt Nam… có nhiều cơ hội đón nhận dòng vốn mới để khởi sắc cùng diễn biến TTCK Mỹ hơn.

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý vẫn là cách lựa chọn đầu tư trong bối cảnh chỉ số tăng đồng nghĩa với việc mặt bằng giá cổ phiếu của nhiều thị trường đang cùng ở mức cao tương đối. Chẳng hạn, chỉ số PE với Dow ở mức 19,7 lần, của S&P 500 21,6 lần thì PE của TTCK Việt Nam hiện đã khoảng 16,7 lần, tương đương với mặt bằng giá của TTCK Malaysia, Thái Lan, Indonesia…

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư nên dừng lại ăn mừng để tận hưởng thành quả hiện có tại dấu mốc Dow Jones 20.000 điểm. Dấu mốc này cần nhiều hơn sự bình tâm nghĩ tiếp, xem nên chọn lựa rót vốn vào đâu để đạt kỳ vọng sẽ thắng trong tương lai.

Tin bài liên quan