Bộ Tài chính Mỹ đang trong vị thế khó khăn khi đồng nhân dân tệ giảm giá

Bộ Tài chính Mỹ đang trong vị thế khó khăn khi đồng nhân dân tệ giảm giá

Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc và mối lo ngại của Mỹ

(ĐTCK) Dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc đã chạm mốc 500 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2015, theo số liệu tính toán mới công bố của Bộ Tài chính Mỹ, phản ánh sự dịch chuyển dòng tiền và tài sản đáng kể tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Tính riêng trong tháng Tám vừa qua, dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc ước tính lên tới 200 tỷ USD, chủ yếu do những biến động trên thị trường chứng khoán, bên cạnh những đánh giá điều chỉnh của Washington về giá trị của đồng nhân dân tệ (NDT).

Cụ thể, trong báo cáo mới nhất gửi tới Quốc hội Mỹ về kinh tế toàn cầu, Bộ Tài chính Mỹ đã điều chỉnh đánh giá về đồng NDT từ mức “hạ giá đáng kể”, xuống chỉ còn “dưới giá trị phù hợp trong trung hạn”. Các yếu tố kinh tế bất ổn, biến động dòng chảy vốn và nguy cơ Trung Quốc tăng trưởng chậm lại khiến việc dự đoán quỹ đạo biến động của đồng NDT trong ngắn hạn trở nên khó khăn hơn.

Việc điều chỉnh này của Bộ Tài chính Mỹ phản ánh sự hoan nghênh thận trọng của chính quyền Tổng thống Barack Obama đối với những nỗ lực của Bắc Kinh thời gian gần đây nhằm thay đổi chính sách tỷ giá, sau khi Trung Quốc khẳng định sẽ cho phép thị trường giữ vai trò lớn hơn trong thiết lập tỷ giá hối đoái.

Đây cũng là dấu hiệu cho thấy Washington nhìn nhận rằng, dù giá trị đồng NDT cần được củng cố trong dài hạn, song trong ngắn hạn đồng NDT vẫn chịu sức ép xuống giá do một số nhân tố, trong đó có dòng vốn kỷ lục chảy ra khỏi Trung Quốc, cũng như tại một số nền kinh tế đang nổi khác.

“Việc thực thi cơ chế hối đoái mới và đặc biệt, liệu Trung Quốc có cho phép đồng NDT tăng giá linh hoạt hay không sẽ minh chứng phản ứng dựa trên các lực đẩy thị trường”, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định.

Tuy nhiên, các báo cáo ghi nhận rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã bơm tiền mạnh tay để nâng giá đồng NDT. Chỉ trong vòng 3 tháng (tháng 7 đến tháng 9/2015), PBoC đã chi tổng cộng 230 tỷ USD để hỗ trợ đồng nội tệ. Động thái của PBoC cũng nhằm ứng phó một phần trước việc nguồn vốn chảy ra bên ngoài mạnh mẽ.

Tính riêng trong nửa đầu năm nay, lượng vốn chảy khỏi Trung Quốc là khoảng 250 tỷ USD, tuy nhiên sau đó tăng mạnh lên mức 70-80 tỷ USD trong tháng Bảy và tới 200 tỷ USD riêng trong tháng Tám.

Eswar Prasad, nhà kinh tế tại Cornell University nhận định, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh các động thái của Trung Quốc đã đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn.

“Bộ Tài chính Mỹ rõ ràng đang trong vị thế khó khăn một khi đồng NDT sụt giảm, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc gia tăng sẽ châm ngòi hơn nữa những chỉ trích nhằm vào chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ có rất ít cơ sở kinh tế để chỉ trích bước đi của Trung Quốc. Thực tế, ngăn chặn đồng NDT giảm giá hơn nữa sẽ đi ngược lại với lời kêu gọi của chính Bộ Tài chính Mỹ trong việc thúc đẩy Trung Quốc theo đuổi tỷ giá hối đoái theo định hướng thị trường”, Eswar cho biết.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nước này chỉ đạt 6,9% trong quý III, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tuy nhiên vẫn cao hơn dự báo 6,8% của các chuyên gia phân tích.

Số liệu chính thức trên có thể coi là sự xác nhận đầu tiên cho những lo ngại của các nhà đầu tư về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Điều này làm tăng sức ép lên các nhà hoạch định chính sách nước này về việc cần phải cắt giảm thêm lãi suất và triển khai các biện pháp hỗ trợ khác để tránh nguy cơ GDP sụt giảm hơn nữa.

Tin bài liên quan