Dòng tiền tài trợ cho các start-up đang có xu hướng “mất nhiệt”

Dòng tiền tài trợ cho các start-up đang có xu hướng “mất nhiệt”

(ĐTCK) Dòng tiền đầu tư mạo hiểm, trong đó có hoạt động tài trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up), đã chậm lại đáng kể tại Mỹ và Trung Quốc, 2 thị trường thu hút các start-up lớn nhất trên thế giới. Giới phân tích dự đoán, xu hướng này có thể còn kéo dài do cả Mỹ và Trung Quốc đều theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ.

Theo dữ liệu của Công ty nghiên cứu thị trường Shanghai DZH, nguồn tiền tại trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc từ các công ty đầu tư mạo hiểm chỉ đạt mức trên 83 tỷ Nhân dân tệ (12,2 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2017, thấp hơn đáng kể so với mức tương ứng 167 tỷ Nhân dân tệ của cùng kỳ năm 2016.

Tổng vốn đầu tư trong năm 2017 cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Trung Quốc được dự báo cũng sẽ thấp hơn đáng kể so với ngưỡng trên 230 tỷ Nhân dân tệ của năm 2016. Bên cạnh đó, lượng vốn trung bình thu hút được trong mỗi thương vụ cũng giảm từ mức trên 300 triệu Nhân dân tệ năm 2016, xuống chỉ còn 250 triệu Nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm nay.

Nguyên nhân một phần là do môi trường lãi suất tăng. Lãi suất Shibor liên ngân hàng (Shanghai Interbank Offerer Rate) kỳ hạn 1 năm đã nhảy từ mức trên 3%/năm năm 2016, lên khoảng 4,4%/năm hiện nay. Đỉnh điểm là các quy định thắt chặt về kinh doanh sản phẩm bảo hiểm, nhằm kiềm chế các hoạt động đầu cơ, cũng là tác nhân gây ra hiệu ứng dây chuyền, hạn chế nguồn lực tài chính và gây quỹ của các công ty tài chính mạo hiểm.

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng chứng kiến mức độ sụt giảm tương tự trong ngân quỹ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp kể từ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành tăng lãi suất cơ bản và thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo báo cáo của Hãng kiểm toán PwC và Công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, vốn đầu tư cho nhóm doanh nghiệp được công ty đầu tư mạo hiểm bảo trợ tại Mỹ chỉ đạt 13,9 tỷ USD trong quý I/2017, giảm 11% so với cùng kỳ 2016 và giảm trên 30% so với giai đoạn đỉnh điểm năm 2015.

Trên phương diện niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các startup, tình hình thậm chí còn tệ hơn. Bất chấp các thương vụ IPO thành công thời gian qua từ MuleSoft Ince, Alteryx Ince. hay của Okta Inc., số vụ IPO của các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Mỹ đang có xu hướng giảm.

Tính chung, chỉ 4 công ty công nghệ và 27 start-up thực hiện IPO thành công trong quý I, theo dữ liệu mới nhất của PwC, đánh dấu mức thấp thứ hai trong quý trong vòng 6 năm qua. Thậm chí, một số doanh nghiệp còn cho biết, họ buộc phải thực hiện IPO vì không kiếm được nguồn tiền phù hợp từ các công ty đầu tư mạo hiểm.

Bob Ackerman, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Allegis Capital đánh giá: “Sự bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đã chậm lại và nhiều người đang tự hỏi: Liệu kỷ nguyên của các start-up đã gần chạm tới giới hạn, hay thậm chí đã vượt quá giới hạn?”.

Trong khi đó, Công ty phân tích môi trường đầu tư PitchBook Data nhận định, dòng vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp dù “mất nhiệt”, song không phải là dấu hiệu cho thấy sự suy yếu thực sự của ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm. Đơn giản là các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn trong việc lựa chọn đầu tư cho từng doanh nghiệp khởi nghiệp so với các giai đoạn trước, nhất là trong bối cảnh tiền tệ bị thắt chặt.

Quý đầu tiên của năm 2017 cũng chứng kiến hoạt động đầu tư nhiều hơn nhằm vào các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), đổi mới sáng tạo và an ninh mạng, trong khi các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào môi trường Internet ghi nhận “miếng bánh” thị phần đầu tư thu hẹp lại.

Công ty khởi nghiệp Grail (có trụ sở tại California, Mỹ) hiện đang phát triển các thử nghiệm phát hiện sớm ung thư chính là doanh nghiệp start-up giữ vị trí số 1 về thu hút vốn trong quý I năm nay tại Mỹ, khi đem về thành công hơn 900 triệu USD vốn đầu tư.

Tin bài liên quan