Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Đồng euro tăng giá sau gói giải cứu Hy Lạp lần hai

Đồng euro đã nhanh chóng tăng giá ngay sau khi các lãnh đạo châu Âu nhất trí về gói cứu trợ Hy Lạp lần 2 trị giá 159 tỷ euro (229 tỷ USD) - trong đó có 109 tỷ euro (155 tỷ USD) là do Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) "bơm."

Ngoài ra, 50 tỷ euro còn lại là do các khu vực tư nhân đóng góp - tại cuộc họp thượng đỉnh bất thường của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) diễn ra ngày 21/7 tại Brussels , Bỉ.

 

Tại Tokyo vào chiều 22/7, đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên so với đồng USD và đồng yen, được giao dịch ở mức 1,4390 USD/euro và 113,14 yen/euro, so với mức 1,4212 USD/euro và 113,11 yen/euro trong phiên 21/7 tại New York.

 

Trong khi đó, đồng tiền xanh cũng nhích lên so với đồng yen, từ 78,43 yen/USD lên 78,58 yen/USD.

 

Theo các nhà phân tích, quyết định "vượt xa kỳ vọng của thị trường" nói trên của các lãnh đạo châu Âu đã giúp giải tỏa những lo ngại lâu nay của thị trường về cuộc khủng hoảng nợ công tại khu vực và giúp đồng euro "cất cánh" sau nhiều ngày bị bán tháo.

 

Mọi mối quan tâm giờ lại dồn vào đồng bạc xanh khi cho tới thời điểm này vẫn chưa có gì bảo đảm rằng cuộc tranh cãi giữa hai Đảng của nước Mỹ về vấn đề nâng trần nợ công và cắt giảm thâm hụt của nước này sẽ sớm đi đến hồi kết.

 

Trong khi đó, nước Mỹ chỉ còn lại 12 ngày trước khi đến hạn chót (2/8) để có quyết định cuối cùng về vấn đề trên - sẽ định đoạt về nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế số 1 thế giới này.

 

Chuyên gia về tiền tệ Dai Sato thuộc Mizuho Corporate Bank cho biết, thị trường hiện vẫn đang có xu hướng bán ra đồng bạc xanh do các nhà đầu tư thận trọng trước ngày Quốc hội Mỹ đến hạn phải thông qua vấn đề nâng trần nợ.

 

Trong khi đó, đồng yen lại giảm nhẹ do giới chức Nhật Bản đang tính chuyện can thiệp làm giảm giá đồng nội tệ này.

 

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 22/7 một lần nữa lại kêu gọi hạ giá đồng yen, song theo các nhà phân tích, cơ hội để chính phủ Nhật can thiệp vào thị trường tiền tệ nước này có thể là không cao.

 

Cũng trong phiên 22/7, đồng USD đã đi xuống so với hầu hết các đồng tiền châu Á, trong đó có đồng SGD ( Singapore ), won (Hàn Quốc), TWD (Đài Loan), peso (Philippine) và rupiah ( Indonesia )./.