Taylor Rosenthal cạnh máy bán hàng tự động do cậu thiết kế. Ảnh: RecMed

Taylor Rosenthal cạnh máy bán hàng tự động do cậu thiết kế. Ảnh: RecMed

Doanh nhân 14 tuổi từ chối 30 triệu USD

Taylor Rosenthal đã sẵn sàng cho cuộc chơi lớn, khi triển lãm máy bán dụng cụ sơ cứu của mình tại sự kiện TechCrunch Disrupt ở Brooklyn tuần này.

Cậu không hề tỏ ra lo lắng, mà còn háo hức với chuyến đi từ quê nhà tại thành phố Opelika, Alabama. "Họ nói rằng cháu là người trẻ nhất từng được chấp nhận tham gia sự kiện này. Cháu thấy thật tuyệt vời", Rosenthal nói.

Công ty của Rosenthal - RecMed ra đời năm 2015 và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Cậu huy động được 100.000 USD vốn đầu tư mạo hiểm và còn từ chối lời chào mua ý tưởng trị giá 30 triệu USD.

RecMed xuất phát là một dự án của Rosenthal tại Học viện Doanh nhân Trẻ mà cậu là một trong 19 học viên. "Bọn cháu phải nghĩ ra một ý tưởng kinh doanh", Rosenthal cho biết, "Mỗi lần tham gia giải bóng chày tại Alabama, cháu đều thấy các bạn bị thương mà phụ huynh không sẵn dụng cụ y tế. Cháu muốn giải quyết việc đó". Cậu hiện tham gia đội bóng chày cho trường trung học, với vị trí ném bóng.

Ý tưởng ban đầu của Rosenthal là mở một cửa hàng lưu động tại giải đấu để bán dụng cụ sơ cứu. Cậu đã thử và nhanh chóng nhận ra đây không phải mô hình tốt nhất.

"Chúng cháu nhận ra rằng trả tiền cho một người đứng bán hàng ở đó suốt 6 giờ là quá tốn kém", cậu nói. Thế là ý tưởng máy bán tự động ra đời.

Rosenthal sau đó phác họa một thiết kế và tham khảo ý kiến của bố mẹ. Cả hai đều làm trong ngành y tế. Đến tháng 12 năm ngoái, cậu đã có một mô hình mẫu và được cấp bản quyền sáng chế.

Người mua có thể chọn bộ sơ cứu giải quyết các vấn đề như cháy nắng, đứt tay, bỏng hay ong đốt (giá khoảng 6-16 USD). Họ cũng có thể mua lẻ các sản phẩm như băng y tế, găng tay cao su, gạc với giá 6-20 USD.

Rosenthal hy vọng sẽ bắt đầu lắp đặt các máy này vào mùa thu. Cậu cho biết nó sẽ được đặt tại những nơi "có đông trẻ em" như công viên, bãi biển và sân vận động. Hiện cậu đã có một đơn hàng 100 máy.

RecMed kiếm tiền từ việc bán máy, với giá 5.500 USD một chiếc, và từ thu phí nhà cung cấp sản phẩm. Rosenthal cũng sẽ chào mời quảng cáo đặt trên máy.

Clarinda Jones - giáo viên của cậu tại Học viện Doanh nhân Trẻ nhận xét: "Taylor đã trưởng thành khá nhiều trong năm qua, giờ có dáng dấp doanh nhân rồi. Nhưng dù vậy, cậu bé vẫn rất khiêm tốn và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Năm nay Taylor mới chỉ 14 thôi. Bill Gates nên lo lắng thì hơn".

Rosenthal hiện là CEO trẻ nhất tại Round House - tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Opelika. Ở đây, cậu có văn phòng riêng, có thể tiếp cận đội tư vấn và được nhận 50.000 USD. Đổi lại, cậu phải nhượng lại 20% cổ phần.

"Taylor tận dụng từng phút sau khi tan trường để nghiên cứu RecMed. Giáng sinh năm ngoái, chúng tôi còn phải bằng mọi cách lôi cậu bé ra đường để đón Giáng Sinh. Taylor làm việc tập trung lắm", Kyle Sandler - nhà sáng lập Round House cho biết.

Tin bài liên quan