Doanh nghiệp y tế Trung Quốc trong cơn sốt "mua sắm" ở nước ngoài

Doanh nghiệp y tế Trung Quốc trong cơn sốt "mua sắm" ở nước ngoài

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc y tế của Trung Quốc đang trong cơn sốt M&A ra nước ngoài với cường độ chưa từng thấy từ trước đến nay.

Kể từ đầu năm 2016, họ đã công bố hơn 3,9 tỉ USD giá trị các thương vụ thâu tóm trong ngành dược phẩm, công nghệ sinh học và y tế, đang trên đường vượt qua mức kỷ lục của cả năm ngoái và gấp 10 lần so với số tiền chi ra trong cả năm 2012, theo số liệu của Bloomberg.

Cơn sốt thâu tóm này được thúc đẩy bởi các ông trùm và doanh nghiệp Trung Quốc, vốn đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đang chậm lại và chính phủ nước này đang nỗ lực “nâng cấp” thương hiệu “Made in China”.

Tại thị trường nội địa, nhiều trong số những công ty này đang chật vật trong một ngành dược phẩm phân mảnh với gần 5.000 nhà sản xuất và cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Chính điều đó đã và đang kéo giá thuốc generic xuống. Vì thế, sự thành công ở nước ngoài sẽ cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng danh mục đầu tư, tìm kiếm các lĩnh vực tăng trưởng mới và cho họ một cánh cửa mở sẵn bước vào các thị trường phát triển, vốn dĩ đặt ra các tiêu chuẩn cao.

Trong số các thương vụ gần đây là việc Creat Group Corp. của doanh nhân Zheng Yuewen hồi tháng 5 đã đồng ý mua lại Bio Products Laboratory Ltd., nhà sản xuất các sản phẩm huyết tương tại Anh, với giá 1,2 tỉ USD. Đây là thương vụ thâu tóm ra nước ngoài lớn nhất trong ngành dược do một doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện, theo số liệu của Bloomberg. Cũng trong tháng 5, Shanghai Fosun Pharmaceutical Group Co., được tỉ phú Guo Guangchang hậu thuẫn, đã đề nghị mua 96% cổ phần của Grand Pharma (Ấn Độ), chuyên sản xuất các loại thuốc tiêm.

Các doanh nghiệp Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục đeo đuổi ráo riết các thương vụ ở nước ngoài.

“Một số doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang đầu tư vào các sản phẩm dược sắp sửa được phê chuẩn ở Mỹ và châu Âu”, George Lin, đứng đầu mảng ngân hàng đầu tư y tế, bán lẻ và tiêu dùng châu Á tại Bank of America, nhận xét.

“Nếu những loại thuốc này được phê chuẩn, người Trung Quốc có thể sẽ theo đuổi ráo riết hơn nữa các mục tiêu ở nước ngoài trong những lĩnh vực tương tự mà có mối liên quan mang tính chiến lược”, ông nói thêm.

Chen Qiyu, Chủ tịch Fosun Pharma, một trong những người mua tích cực nhất trong lĩnh vực y tế của Trung Quốc, hồi năm ngoái cho biết ông hy vọng sẽ gia tăng doanh thu ở nước ngoài lên tới 40% tổng doanh thu trong vòng 5 năm tới thông qua con đường thâu tóm sáp nhập.

Năm ngoái, Fosun Pharma nằm trong nhóm các doanh nghiệp đã thâu tóm Ambrx Inc., công ty nghiên cứu và phát triển các liệu pháp protein tại Mỹ. Giá trị thương vụ không được tiết lộ. Tuy nhiên, trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 5, Fosun Pharma nói rằng thương vụ vẫn chưa có gì là đảm bảo. Nhưng nếu thành công, thương vụ sẽ giúp mở rộng “độ phủ quốc tế” của Công ty.

Doanh nghiệp y tế Trung Quốc trong cơn sốt "mua sắm" ở nước ngoài ảnh 1

 Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường thâu tóm các công ty y tế nước ngoài

Các hãng dược Ấn Độ dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thuốc generic và họ cũng có sự hiện diện rộng lớn về mặt thương mại ở các thị trường phát triển; vì thế, các doanh nghiệp này trở thành đích ngắm của các công ty Trung Quốc, theo Franck Le Deu, một đối tác cấp cao tại McKinsey.

Mặc dù doanh nghiệp Trung Quốc góp mặt thường xuyên hơn trong danh sách những người ra giá mua lại các công ty y tế, nhưng họ cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong quá trình săn tìm tài sản tốt. Hồi tháng 3, theo các nguồn tin thân cận với vụ việc, Luye Group của Trung Quốc là một trong những doanh nghiệp ra giá mua lại hãng dược Pháp Ethypharm SA. Nhưng cuối cùng, Ethypharm lại rơi vào tay hãng đầu tư vốn cổ phần tư nhân châu Âu PAI Partners.

Nhưng không vì thế mà Luye Group chùn chân. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi tháng 3, Chủ tịch Liu Dian của Luye Group cho biết đang tìm kiếm các thương vụ trong lĩnh vực bệnh viện ở các thị trường nước ngoài trong đó có Úc, Singapore, Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu. Tập đoàn đặc biệt quan tâm đến những cơ sở điều trị đặc biệt có thể hữu ích cho Trung Quốc.

Hồi tháng 7 năm ngoái, theo những nguồn tin thân cận với vụ việc, tập đoàn China Grand, thuộc quyền kiểm soát của doanh nhân Hu Kaijun, nằm trong số những tổ chức ra giá mua lại bộ phận thuốc generic Mỹ của tập đoàn Bỉ UCB SA. UCB cuối cùng đã bán bộ phận này cho Công ty Lannett Co. có trụ sở tại Mỹ.

Ngành dược Trung Quốc vẫn còn tụt xa đằng sau những ngành nghề khác và các đối thủ đa quốc gia xét về quy mô các thương vụ M&A quốc tế. Tập đoàn hóa chất Trung Quốc China National Chemical Corp., chẳng hạn, hồi tháng 2 đã đồng ý mua lại nhà sản xuất hạt giống và thuốc trừ sâu Thụy Sĩ Syngenta với giá lên tới 43 tỉ USD. Và ngành chăm sóc y tế thế giới đã chứng kiến những thương vụ “khủng” như việc Allergan đồng ý bán mảng thuốc generic cho Teva Pharmaceutical Industries Ltd. vào năm ngoái với giá 40,5 tỉ USD.

Trong lĩnh vực y tế, các doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng nhắm đến các công ty mục tiêu có doanh số bán 100-300 triệu USD và được định giá khoảng 300 triệu USD cho đến hơn 1 tỉ USD, theo John Wong, Chủ tịch khu vực Trung Quốc thuộc hãng tư vấn Boston Consulting Group. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc nhắm đến các doanh nghiệp mà có thể bổ sung, làm mạnh thêm lĩnh vực chuyên môn hiện tại của họ.

Chủ tịch của Creat cũng đồng thời nắm quyền kiểm soát Shanghai RAAS Blood Products Co., một công ty huyết tương và là công ty y tế niêm yết lớn nhất tại Trung Quốc. Humanwell Healthcare Group, vốn sản xuất thuốc gây mê và thuốc ngừa thai, đã bỏ ra 550 triệu USD mua lại Epic Pharma LLC, nhà sản xuất thuốc generic có trụ sở tại Mỹ hồi năm nay.

Tuy nhiên, những rủi ro đối với các doanh nghiệp y tế Trung Quốc trong cuộc bành trướng ra nước ngoài cũng không phải là ít. Họ có thể mua phải một công ty có “danh mục đầu tư yếu và dàn quản lý địa phương biến mất sau thương vụ. Khi đó doanh nghiệp Trung Quốc chỉ còn nắm trong tay những tài sản đang sa sút”, Wong, thuộc Boston Consulting Group, nhận xét.

Ngoài việc các doanh nghiệp Trung Quốc thiếu kinh nghiệm điều hành các tài sản ở nước ngoài, y tế cũng là ngành chịu sự quản lý rất chặt chẽ và đôi khi rất nhạy cảm vì chính phủ các nước có thể sẽ lo ngại trước việc người mua Trung Quốc thực hiện các thương vụ thâu tóm lớn, theo Le Deu của McKinsey.

Tuy nhiên, Le Deu cho rằng các thương vụ mà người Trung Quốc thực hiện trong ngành chăm sóc y tế có thể “chỉ mới là khởi đầu của một đợt sóng lớn” khi ngành dược phẩm Trung Quốc đang bão hòa cả về quy mô lẫn công suất sản xuất. Điều đó có nghĩa là sẽ còn những thương vụ thâu tóm nước ngoài lớn trong tương lai.

Tin bài liên quan