Doanh nghiệp Mỹ lo ngại trước nguy cơ TPP đình trệ

Doanh nghiệp Mỹ lo ngại trước nguy cơ TPP đình trệ

(ĐTCK) Trong bối cảnh hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ là Hillary Clinton và Donald Trump đều thể hiện quan điểm không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một số lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đã thể hiện sự lo ngại trước nguy cơ TPP có khả năng bị đình trệ.

David Abney, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) United Parcel Service, công ty cung cấp dịch vụ hậu cần lớn nhất nước Mỹ, đã bày tỏ sự lo ngại về khả năng TPP bế tắc, trong khi Trung Quốc vẫn đang tích cực đàm phán với một số quốc gia khác về một Hiệp định kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc có thể thiết lập các quy tắc thương mại trong một khu vực có vai trò kinh tế rất quan trọng”, ông Abney nhận định.

Patrick Fitzgerald, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách thị trường và truyền thông của FedEx cũng bày tỏ sự thất vọng, khi cả hai ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử sắp diễn ra đều tỏ rõ lập trường “chống” TPP.

Hiệp định TPP, được kỳ vọng sẽ trao cho các doanh nghiệp đặc quyền thực thi các hoạt động kinh doanh cởi mở hơn trên toàn bộ 12 nước thành viên tham gia, từ châu Á, châu Mỹ cho đến châu Đại Dương, đồng thời cũng là một cơ hội kinh doanh tuyệt vời cho các công ty hậu cần của Mỹ, bởi họ có khả năng nhận được nhiều đơn hàng hơn khi dòng chảy hàng hóa và giao thương mở rộng giữa các nước thành viên Hiệp định. Theo ước tính của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, TPP sẽ giúp hoạt động giao thương trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ của nước này gia tăng thêm 11,6 tỷ USD trong vòng 15 năm tới.

Tổng thống Barack Obama vẫn hy vọng Quốc hội nước này sẽ thông qua TPP, trước khi ông khép lại nhiệm kỳ của mình vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là TPP đang phải đối mặt với rào cản lớn, khi Lưỡng viện Mỹ đều do phe Cộng hòa nắm đa số.

Dự kiến chưa đầy một tháng nữa, các nghị sĩ Mỹ sẽ trở lại Quốc hội cho kỳ họp mà Hiệp định TPP có thể được đưa ra bỏ phiếu. Trên thực tế, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ cũng ủng hộ rất lớn đối với TPP, khi đặt cược vào tiềm năng tăng trưởng của thị trường châu Á.

Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn sản xuất thiết bị khai mỏ Caterpillar, Doug Oberhelman cho rằng, Mỹ nên củng cố mối quan hệ với các quốc gia tăng trưởng năng động thông qua các thỏa thuận thương mại bên trong TPP. Chia sẻ quan điểm lợi ích mà TPP đem lại, CEO của Nike đánh giá, TPP sẽ giúp công ty tạo ra 10.000 việc làm mới trong thập kỷ tới.

Góc nhìn của nhóm phản đối TPP

Các liên đoàn lao động Mỹ từ lâu đã bày tỏ sự thận trọng trước các hiệp định thương mại tự do. Cả Liên đoàn Công nhân ngành ô tô Mỹ và các tổ chức nông nghiệp của nước này cho rằng, TPP có thể khiến thâm hụt thương mại của Mỹ tăng cao và người lao động mất việc làm.

Sự tác động của TPP tới các ngành công nghiệp Mỹ trong giai đoạn 2017-2032 được mô tả với hai thái cực rõ ràng (xem biểu đồ). Bên hưởng lợi nhất sẽ là kinh doanh dịch vụ, bán lẻ, xây dựng, còn bên chịu thiệt hại nhất là sản phẩm thép, máy móc và đồ gỗ.

Ứng cử viên Tổng thống Donald Trump cũng là một người theo đuổi các hành động bảo hộ thương mại cực đoan và điều này đã giúp ông nhận được sự ủng hộ lớn của không ít cử tri “chống” TPP. Ngay cả Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, người từng chạy đua với tư cách ứng viên của Đảng Dân chủ cũng dựa một phần vào kế hoạch “chống” TPP để lấy lòng cử tri với quan điểm, thỏa thuận này làm mất việc làm của người lao động trong nước và mức lương mà họ nhận được sẽ thấp hơn. Bản thân bà Hillary Clinton, người ủng hộ TPP với tư cách Ngoại trưởng Mỹ khi còn đương nhiệm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Obama, cũng buộc phải thay đổi lập trường nhằm thu hút lượng cử tri từng ủng hộ ông Sanders.

Từ những diễn biến trên, có thể thấy, TPP đang gặp vướng mắc lớn từ cả hai ứng cử viên Tổng thống. Giới phân tích nhận định, mối quan hệ giữa nhóm doanh nghiệp ủng hộ TPP và Chính phủ Mỹ có thể bước vào thời kỳ “căng thẳng” nếu TPP không trở thành hiện thực.

Tin bài liên quan