Châu Á lo ngại chính phủ Mỹ tung ra quá nhiều tiền sẽ làm suy yếu vai trò và giá trị của đồng đô la.

Châu Á lo ngại chính phủ Mỹ tung ra quá nhiều tiền sẽ làm suy yếu vai trò và giá trị của đồng đô la.

Đô la Mỹ sẽ suy yếu?

Vai trò của đồng đô la Mỹ như là đồng tiền chính của thế giới sẽ suy giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính và giá trị của nó cũng yếu đi do sự thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ - các chuyên gia hàng đầu châu Á đưa ra nhận định như vậy vào hôm qua 19-3 tại một hội nghị các cơ quan nghiên cứu châu Á ở Tokyo, Nhật Bản.

Do đã đầu tư rất lớn vào các tài sản của Mỹ, châu Á hy vọng quá trình suy yếu của đồng đô la sẽ diễn ra từ từ để không gây sốc thêm nữa cho các hệ thống tài chính.

 

Hôm thứ Tư 18/3 tỷ giá đồng đô la Mỹ so với một rổ ngoại tệ đã trải qua ngày giảm giá mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ qua khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố kế hoạch mua trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ. Động thái của FED gây lo ngại rằng Mỹ sẽ tung tiền vào các thị trường toàn cầu, dẫn tới tình trạng cung quá lớn đồng tiền dự trữ chính của thế giới.

 

Ông Chalongphob Sussangkarn, cựu bộ trưởng tài chính và nay là chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, nhận xét: “Thâm thủng của Mỹ hiện quá lớn. Đó là lý do tại sao tất cả các quốc gia, nhất là các nước Đông Á, lo lắng bởi vì chúng ta đang nắm giữ nhiều tài sản [tính bằng đô la Mỹ]. Điều gì sẽ xảy ra nếu đồng đô la Mỹ giảm giá 40%? Nhiều ngân hàng trung ương sẽ mất đi những khoản tiền rất lớn”.

 

Các chuyên gia kêu gọi lãnh đạo các nước Đông Á tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Anh vào đầu tháng tới tránh phá giá đồng bạc để tăng sức cạnh tranh như là một phương cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.