Điều gì đang xảy ra với các ngân hàng châu Âu?

Điều gì đang xảy ra với các ngân hàng châu Âu?

(ĐTCK) Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu nổi lên năm 2008, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) rơi vào khủng hoảng năm 2012. Vậy chuyện gì đang xảy ra với hệ thống ngân hàng châu Âu năm 2015?

Chỉ trong vòng hai tuần qua, Ngân hàng Standard Chartered đã theo chân Credit Suisse thông báo gia tăng đáng kể lượng vốn phòng vệ, đồng thời cắt giảm 15.000 việc làm, tương đương 17% tổng số nhân viên, chủ yếu do nợ xấu tăng cao tại các thị trường mới nổi làm giảm doanh thu.

Ngân hàng UBS thì hạ thấp triển vọng lợi nhuận từ cổ phiếu; Barclays từ bỏ các mục tiêu cắt giảm chi phí; Deutsche Bank cắt giảm 9.000 việc làm và rút lui hoạt động tại 10 quốc gia. UniCredit đang chuẩn bị cắt giảm 12.000 nhân viên và tái cơ cấu các tài sản. Hầu hết các ngân hàng hàng đầu châu Âu này đều đang dưới sự quản lý của bộ máy lãnh đạo mới.

Một nhà phân tích của Atlantic Equities LLP cho rằng, đây là bằng chứng cho thấy các ngân hàng châu Âu đã không kịp thích ứng với thế giới hậu khủng hoảng và hiện đang phải chạy đua để bắt kịp với nó. Không thể phủ nhận những khó khăn của các ngân hàng châu Âu bắt nguồn từ khủng hoảng 2008, song đến nay, quá trình phục hồi vẫn tương đối chậm. Giới phân tích đã chỉ ra 5 nguyên nhân của tình trạng này:

1. Quá trình tái cơ cấu của các ngân hàng châu Âu diễn ra chậm. Khi khủng hoảng xảy ra tại Mỹ, Chính phủ nước này đã nỗ lực tái cấp vốn cho các ngân hàng  dưới tên gọi “Chương trình giải cứu tài sản gặp vấn đề”.

Chính phủ Mỹ ban đầu đầu tư khoảng 430 tỷ USD để cứu các ngân hàng này, trong khi đó tại châu Âu, việc không có một sự đồng nhất mạnh mẽ, bên cạnh sự không quyết đoán và văn hóa ngân hàng khác nhau khiến việc giải cứu hệ thống ngân hàng châu Âu gặp khó khăn.

Ngoại trừ một số gói giải cứu quy mô nhà nước, nhiều ngân hàng gặp vấn đề rất lớn về khả năng quản trị và nguồn vốn bị hạn chế.

2. Thể trạng các ngân hàng châu Âu yếu hơn đối tác đến từ Mỹ. Mặc dù các ngân hàng toàn cầu cùng đối mặt với thách thức chung kể từ năm 2008, song các ngân hàng châu Âu có tiềm lực yếu hơn so với Mỹ, đặc biệt là tỷ lệ vốn và bảng quyết toán ngân sách, cho dù khoảng cách này đã được thu hẹp trong những năm qua.

3. Các quy định quản lý nghiêm ngặt hơn về vốn và thanh khoản trở nên khó khăn hơn đối với các ngân hàng châu Âu. Ví dụ, tiền thưởng trong hệ thống ngân hàng bị áp đặt giới hạn ở mức gấp đôi so với lương, thấp hơn so với các đối thủ từ Mỹ và châu Á.

Các ngân hàng châu Âu cũng phàn nàn về độ phức tạp trong thể chế Liên minh châu Âu (EU), nơi các quy định chéo ở cấp độ quốc gia và châu Âu tỏ ra chưa hiệu quả.

4. Châu Âu thiếu hụt một thị trường hài hòa. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực thi nhiều biện pháp để làm an lòng các nhà đầu tư kể từ khi nỗi lo sợ khủng hoảng nợ nổi lên tại Eurozone giai đoạn 2010 - 2012.

ECB đã cam kết triển khai bước đi bảo vệ tài chính khu vực, song sự thiếu hụt các quy định hài hòa trong những lĩnh vực, như tiếp cận thị trường hay tình trạng các công ty không trả được nợ, đồng nghĩa với châu Âu vẫn còn phân mảnh hơn Mỹ rất nhiều.

Điều này đã được các nhà lãnh đạo ngân hàng châu Âu nhận ra và họ đang có kế hoạch xây dựng một liên minh các thị trường vốn để giải quyết triệt để điểm yếu này.

5. Kinh tế châu Âu vẫn tăng trưởng yếu. Và tất nhiên, đó là một chu kỳ khắc nghiệt. Nếu hệ thống ngân hàng và các thị trường không mạnh hơn thì các công ty cũng khó có thể phát triển được. Nếu kinh tế châu Âu không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, hệ thống tài chính vẫn sẽ trong trạng thái trì trệ.

Tin bài liên quan