Dịch vụ giao đồ ăn của Uber dự kiến đạt doanh thu 3 tỷ USD năm 2017

Dịch vụ giao đồ ăn của Uber dự kiến đạt doanh thu 3 tỷ USD năm 2017

(ĐTCK) Theo báo cáo của The Financial Times, UberEats, dịch vụ giao đồ ăn của Uber, đã sẵn sàng mang về tổng doanh thu hơn 3 tỷ USD cho năm 2017. Dịch vụ này đang nhanh chóng phát triển thành một hoạt động với quy mô lớn, chiếm tới 8 - 10% doanh thu của Uber trong quý II.

Các nhà quản trị cấp cao của Uber tin rằng, UberEats có thể tạo ra cú hích tăng trưởng lớn trong bối cảnh công ty chuẩn bị tiến hành IPO trong 18-36 tháng tới. Dara Khosrowshahi, Giám đốc điều hành (CEO) mới của Uber, gọi UberEats là một “điều bất ngờ tuyệt vời”.

Trước khi ra mắt UberEats, Uber từng bắt đầu giao đồ ăn với UberFresh nhưng chưa thực sự thành công. Đến tháng 12/2015, ứng dụng UberEats được trình làng và phát triển mạnh trong 18 tháng tiếp theo. Hiện UberEats đang hoạt động tại 108 thành phố, dự kiến sẽ lên tới 200 thành phố vào cuối năm 2017.

Theo số liệu của Uber, từ tháng 3/2016 tới tháng 3/2017, số lần giao hàng do các xe của UberEats thực hiện đã tăng hơn 24 lần. Tính tới tháng 7 năm nay, UberEats đã có lãi tại 27 trong số 108 thành phố mà nó hoạt động. Uber từ chối tiết lộ doanh thu chi tiết của dịch vụ này.

Dịch vụ giao đồ ăn của Uber dự kiến đạt doanh thu 3 tỷ USD năm 2017 ảnh 1

 UberEats đã có lãi tại 27 trong số 108 thành phố mà nó hoạt động

“Giao hàng đang là xu hướng toàn cầu”, Jason Droege, Phó chủ tịch UberEverything (thực hiện dịch vụ UberEats) nhận định, “Khi điện thoại di động trở nên ngày càng phổ biến, chúng ta cũng bắt đầu thấy sự thay đổi trong cách ăn uống của mọi người.”

Trên thực tế, Uber là “kẻ đến sau” trong lĩnh vực giao nhận thực phẩm. Thị trường này trị giá hơn 100 tỷ USD, khoảng 1% của toàn bộ thị trường thực phẩm.

Thông thường, các công ty giao đồ ăn được chia làm hai nhóm. Đầu tiên là các tập đoàn như Grubhub, thường thu thập các tùy chọn và menu từ những cổng trực tuyến sau đó hiển thị cho khách hàng và đương nhiên nhà hàng sẽ phải tự đảm nhiệm việc giao hàng cho khách.

Thứ hai là các dịch vụ giao hàng hoàn chỉnh như Postmates và UberEats, nhận đơn đặt hàng qua một cổng trực tuyến và vận chuyển đồ ăn cho khách giúp các nhà hàng. Nhà hàng sẽ phải trả một khoản phí cố định trên các đơn hàng cho dịch vụ giao hàng và khách hàng cũng phải trả phí cho dịch vụ giao hàng.

Các doanh nghiệp đối thủ của UberEats đã khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực này từ lâu. Chẳng hạn, Postmates đã “vững chân” từ 6 năm trước, thu hút được 250 triệu USD vốn đầu tư. Hiện tại, Postmates có hơn 100.000 tài xế giao hàng, thực hiện 2,5 triệu giao dịch mỗi tháng. Còn Grubhub đạt tổng doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2016 nhờ phục vụ 8,17 triệu khách hàng.

Ngoài ra, một thế lực mới đang cố gắng triển khai dịch vụ giao đồ ăn tại một vài thị trường là gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon. Tập đoàn này vừa mua lại hãng bán lẻ Whole Foods. Thương vụ này giúp Amazon có thêm vài trăm cơ sở kinh doanh ẩm thực có thể cung cấp hàng cho tài xế giao nhận để giao tại những khu vực đô thị nơi khách hàng thường có xu hướng đặt đồ ăn chế biến sẵn.

Dịch vụ giao đồ ăn của Uber dự kiến đạt doanh thu 3 tỷ USD năm 2017 ảnh 2

 Amazon mua lại Whole Foods, tạo thành "mối đe dọa" đối với UberEats

“Amazon là mối đe dọa nghiêm trọng nhất với tất cả các công ty giao đồ ăn. Họ có mạng lưới hậu cần và nguồn vốn quá lớn nên có thể cạnh tranh cả về chất lượng, mức giá lẫn tốc độ với mọi đối thủ”, James Cakmak, một nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Hardt & Company nhận xét.

Dù vậy, đội ngũ điều hành UberEats nhận định, họ vẫn có nhiều lợi thế so với các đối thủ. Công ty có mạng lưới hơn 2 triệu lái xe có thể phục vụ giao đồ ăn. Xe để giao đồ ăn cũng không phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn như xe chở khách, nên rào cản để tài xế tham gia công việc này rất thấp. Thậm chí, các lái xe không cần phải sở hữu xe hơi, bởi UberBike là phương thức giao hàng phổ biến nhất cho các đơn đặt hàng thực phẩm.

Ngoài ra, trong một thập niên qua, Uber đã dành nhiều công sức cho việc lập bản đồ các thành phố và tìm ra những tuyến đường hiệu quả nhất, giúp giảm thời gian giao hàng. Đội ngũ UberEats sẽ tới nhà hàng khi đầu bếp vừa nấu/chế biến xong và giao cho khách ngay khi đồ ăn vẫn còn tươi/nóng.

Uber đã có một năm khó khăn. Công ty đã dính vào liên tiếp những vụ kiện về môi trường làm việc, cơ chế hoạt động và bản quyền sáng chế, bị cấm hoạt động tại nhiều thành phố trên thế giới, còn nhà sáng lập Travis Kalanick phải từ chức CEO dưới sức ép của các nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đó, UberEats có lẽ là một trong những chiếc phao cứu sinh cho lợi nhuận của Công ty và trở thành một phần quan trọng trong tương lai của startup giá trị nhất thế giới này.

Tin bài liên quan