Đế chế kinh doanh hơn 25 tỷ USD của Hermès

Đế chế kinh doanh hơn 25 tỷ USD của Hermès

Thương hiệu thời trang xa xỉ đã giúp nhiều thành viên gia đình Hermès góp mặt trong danh sách tỷ phú toàn cầu.

Bắt đầu từ một cửa hàng sản xuất yên cương, sau hơn 180 năm, Hermès trở thành công ty tăng trưởng nhanh nhất trong ngành công nghiệp xa xỉ với doanh số hàng tỷ USD.

Forbes ước tính, ít nhất 5 thành viên trong gia tộc này có tên trong danh sách tỷ phú toàn cầu. Hiện tổng tài sản của gia đình Dumas ước tính hơn 25 tỷ USD.

Từ nhà sản xuất yên ngựa

Đế chế Hermès bắt đầu từ Thierry Hermès, người con thứ 6 của một chủ quán trọ. Có năng khiếu về nghề da, ông mở một cửa hàng làm yên ngựa vào năm 1837.

Khách hàng của ông rất giàu có với giới thượng lưu của Paris, hoàng gia châu Âu như Hoàng đế Napoleon III và hoàng hậu Eugenie.

Đế chế kinh doanh hơn 25 tỷ USD của Hermès ảnh 1

Các thế hệ trong gia đình Hermès. 

Khi con trai của Thierry là Émile-Charles lên quản lý kinh doanh, thương hiệu đã mở rộng thêm mặt hàng. Ông nhanh chóng đưa tên Hermès nổi tiếng, trở thành một trong những nhà cung cấp hàng xa xỉ uy tín trên thế giới. 

Các sản phẩm gần như khâu tay, không thể vội vã. Điều này khiến không ít lần, lễ đăng quang của hoàng gia bị trì hoãn chỉ đề chờ hãng đưa tới đủ đồ cho các đoàn xe ngựa.

Xây "ngai vàng" trong lĩnh vực thời trang

Khoảng năm 1910, cháu nội của Thierry, Emile Maurice thừa kế cơ ngơi, bắt đầu bán thêm quần áo. Họ không lựa chọn các loại rẻ tiền mà khởi đầu với jacket chơi golf làm bằng da đặt riêng cho Hoàng tử xứ Wales.

Thế hệ thứ ba của gia đình này mang tính cách phiêu lưu, sáng tạo của mình vào từng thiết kế. Ông là người đầu tiên ứng dụng chiếc khóa kéo cho áo khoác da.

Chiếc khóa kéo đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành quần áo, giúp xưởng của Hermès trở thành địa chỉ để nhiều công ty khác đến học hỏi, kể cả Coco Chanel.

Émile-Charles cũng bổ sung vào danh mục nhiều sản phẩm kinh điển, như: khăn lụa (năm 1937), vòng Collier de Chien (những năm 1940).

Đế chế kinh doanh hơn 25 tỷ USD của Hermès ảnh 2

Các sản phẩm của hãng luôn được giới thượng lưu trên thế giới săn đón. 

Sau khi Émile-Charles mất vào năm 1951, các con rể ông trở thành lãnh đạo thế hệ thứ tư. Robert Dumas quản lý hãng, cùng Jean-René Guerrand.

Robert Dumas ghi dấu ấn trong những thiết kế mới. Vốn có chất nghệ sĩ và hướng nội hơn bố vợ mình, Dumas khai phá thêm các sản phẩm thắt lưng và túi xách. 

9 trong số 10 chiếc khăn bán chạy nhất của hãng được tạo ra dưới sự giám sát của Robert Dumas, trong số đó có chiếc Brides de Gala năm 1957 và Astrologie năm 1963.

Chiếc túi được ưa chuộng nhất trong lịch sử - nguyên bản mang tên Haut a Courroie, và sau này là Kelly và Birkin, vẫn là sản phẩm được khao khát nhất trên thế giới.

Thương hiệu xa xỉ toàn cầu

Thế hệ thứ 5 của "đế chế" này là Jean-Louis Dumas, con trai Robert Dumas. Ông là CEO và Giám đốc nghệ thuật của hãng. Jean-Louis Dumas có cái nhìn sắc sảo vượt ra ngoài khuôn khổ. Ông muốn đưa thương hiệu mang tính toàn cầu.

Ông nhận ra việc bán lẻ đã thay đổi. Nếu muốn hãng có thể sống sót mà không thỏa hiệp, họ cần định vị lại sản phẩm của mình để phù hợp hơn với nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Jean-Louis Dumas mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư hoặc mua toàn bộ những công ty có cùng triết lý. Từ năm 1982 đến 1989, doanh số hãng tăng từ 82 triệu USD tới 446 triệu USD. Năm 2006, con số này là 1,9 tỷ USD.

Đế chế kinh doanh hơn 25 tỷ USD của Hermès ảnh 3

Hầu hết các sản phẩm của hãng đều khâu tay với mức hoàn chỉnh đến độ tuyệt đối. 

Sau khi Dumas nghỉ hưu, hãng chọn được bộ ba thế hệ thứ 6, gồm: Axel Dumas (cháu trai Jean-Louis Dumas) - CEO; hai đồng Giám đốc nghệ thuật là Pierre-Alexis Dumas và Pascale Mussard - con trai và cháu gái của Jean-Louis Dumas.

Cả Pierre-Alexis Dumas và Pascale Mussard lớn lên cùng với những ký ức về Hermès. Họ biết rõ từng góc, từng người trong vương quốc thời trang bí ẩn này.

Pierre-Alexis Dumas phụ trách mảng phụ kiện về lụa, đồ vải, quần áo may sẵn, còn Mussard chuyên đồ da, trang sức, phụ kiện không bằng vải. Họ tìm tiếng nói chung về mặt thẩm mỹ.

Mục tiêu của họ là công ty phát triển "chạm tới ánh sáng nhưng không quá chói". Chuyên gia phân tích thị trường hàng cao cấp Ortelli cho biết kể cả khi họ đang đẩy mạnh sản xuất và phân phối toàn thế giới nhưng họ vẫn sẽ không chạy theo những cách tiếp cận quá lỗ liễu.

Năm 2013, Hermès lập kỷ lục lợi nhuận 1,69 tỷ USD với doanh thu 5 tỷ USD. Hãng trở thành công ty tăng trưởng nhanh nhất ngành công nghiệp xa xỉ 6 năm qua, nhờ một loạt chiến dịch xây dựng thương hiệu và tiếp thị khéo léo.

"Chúng tôi phải luôn giữ vững những giá trị của mình. Nhưng chúng tôi phải thường xuyên tự làm mới, và chính điều đó là nền tảng cốt lõi của Hermès", Dumas nói.

Đại diện hãng tại Việt Nam cho biết, thương hiệu này không sử dụng các ngôi sao nổi tiếng trong quảng cáo, không cấp phép cho việc sử dụng thương hiệu bừa bãi, không bị lôi cuốn bởi các xu hướng ngắn hạn.

Những gì mọi người làm là tạo ra sản phẩm cần thiết, từ nguyên liệu đẹp nhất, lối thiết kế thông minh, vượt qua thời trang và có thể tồn tại qua nhiều thế hệ.

Jean Paul Gaultier - nhà thiết kế tài năng, sau khi từ chối lời mời của nhiều công ty khác, đã đồng ý làm việc cho hãng từ 2003 đến 2010, vì "Đó là một công ty cho phép sự tự do sáng tạo không có giới hạn".

Tin bài liên quan