Dầu, vàng, chứng khoán đua nhau tăng mạnh

Dầu, vàng, chứng khoán đua nhau tăng mạnh

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, cả chứng khoán, giá vàng và dầu thô lại bất ngờ tìm được tiếng nói chung khi đồng loạt tăng mạnh.

Sau thông tin kinh tế tích cực được công bố hôm trước, giới đầu tư phố Wall lại tiếp tục nhận thông tin tích cực trong phiên thứ Năm.

Theo đó, lạm phát hàng năm của Mỹ vừa công bố cho thấy có mức tăng chậm nhất trong 1 năm rưỡi, làm giảm kỳ vọng tăng lãi suất của Fed trong tháng 12 tới. Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ tăng 0,3% trong tháng trước so với mức dự báo 0,4%.

Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng kỳ vọng vào lời hứa về việc sẽ nhanh chóng thông qua chính sách thuế của Washington, giúp phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Dow Jones tăng 55,67 điểm (+0,25%), lên 21.948,10 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,06 điểm (+0,57%), lên 2.471,65 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 60,35 điểm (+0,95%), lên 6.428,66 điểm.

Dù có những phiên giảm mạnh do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị, cũng như nghi ngờ về chính sách của chính quyền Tổng thống Trump, nhưng với dữ liệu kinh tế tích cực, cùng khả năng Fed không tăng lãi suất lần thứ 3, phố Wall đã có tháng tăng điểm thứ 4 liên tiếp, dù mức tăng khiêm tốn hơn rất nhiều so với tháng trước. Cụ thể, trong tháng 8, chỉ số Dow Jones tăng 0,26%, chỉ số S&P 500 tăng 0,05% và Nasdaq tăng 1,27%. Như vậy, phố Wall đã có 7 tháng tăng trong 8 tháng giao dịch kể từ đầu năm (Dow Jones và S&P 500 giảm nhẹ trong tháng 3).

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng có phiên tăng điểm thứ liên tiếp nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu mỏ khi giá kim loại đồng loạt tăng mạnh. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu xây dựng cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chứng khoán châu Âu.

Tuy nhiên, đà tăng cũng bị hãm lại do đà lao dốc của nhóm cổ phiếu bán lẻ, nhất là cổ phiếu Carrefour với mắc giảm tới 13%, mức giảm tồi tệ nhất trong 20 năm sau khi chuỗi siêu thị của Pháp này công bố lợi nhuận năm 2017 có thể giảm 12% và cắt giảm chỉ tiêu doanh thu.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 65,36 điểm (+0,89%), lên 7.430,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 53,37 điểm (+0,44%), lên 12.055,84 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 29,25 điểm (+0,58%), lên 5.085,59 điểm.

Không như phố Wall, ngoại trừ chứng khoán Anh, dù tăng điểm tốt trong 2 phiên cuối tháng, nhưng chứng khoán Đức và Pháp cũng không thoát khỏi tháng giảm thứ 3 liên tiếp.

Cụ thể, trong tháng 8, chỉ số FTSE 100 tăng 0,8% tương đương với mức tăng của tháng trước, trong khi chỉ số DAX giảm 0,52% và CAC 40 tiếp tục giảm 0,16%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, với số liệu kinh tế Mỹ khả quan được công bố trước đó, giúp đồng USD tăng vọt so với các loại tiền tệ mạnh khác, trong đó có đồng yên Nhật, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên tăng tốt để lên mức cao nhất 2 tuần.

Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại điều chỉnh sau chuỗi tăng điểm mạnh trước đó. Phiên giảm điểm này được giới phân tích đánh giá là phiên điều chỉnh cần thiết.

Kết thúc phiên 31/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 139,70 điểm (+0,72%), lên 19.646,24 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 124,31 điểm (-0,44%), xuống 27.970,30 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,82 điểm (-0,08%), xuống 3.360,81 điểm.

Dù hồi phục tốt trong 2 phiên cuối tháng, nhưng với những phiên giảm mạnh trước đó, chứng khoán Nhật Bản có tháng giảm thứ 2 liên tiếp khi mất 1,4%. Trong khi đó, dù điều chỉnh trong phiên cuối tháng, nhưng chứng khoán Hồng Kông vẫn có tháng tăng điểm thứ 8 liên tiếp trong năm nay với mức tăng 2,37%. Chứng khoán Trung Quốc cũng có tháng tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 2,68% trong tháng 8.

Sau 2 phiên lình xình do chịu các tác động trái ngược nhau, nhất là đồng USD tăng mạnh trong phiên thứ Tư, giá vàng đã vọt tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm khi đồng USD giảm trở lại. Nhiều nhà đầu tư nhận thấy 2 phiên chững lại vừa qua là cơ hội mua vào, nên đã mạnh tay giải ngân trong phiên thứ Năm, giúp giá kim loại quý tăng mạnh lên mức cao nhất trong 10 tháng.

Kết thúc phiên 31/8, giá vàng giao ngay tăng 12,7 USD/ounce (+0,97%), lên 1.320,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 12,4 USD/ounce (+0,94%), lên 1.326,5 USD/ounce.

Sau khi hồi phục trở lại trong tháng 7, lấy lại hết những gì đã mất trong tháng 6, giá vàng đã có tháng 8 đầy hứng khởi khi tăng mạnh 4,10% và 4,73%.

Trên thị trường dầu thô, sau chuỗi giảm liên tiếp do ảnh hưởng của cơn bão Harvey, khiến nhiều nhà máy lọc dầu của Mỹ phải đóng cửa, làm giảm nhu cầu dầu thô, giá dầu đã đồng loạt tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm

Theo dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 5,39 triệu thùng, trong khi sản lượng khai thác của OPEC cũng giảm 170.000 thùng/ngày trong tháng 8 so với mức cao kỷ lục của năm 2017 sau khi nguồn cung từ Lybia giảm do xung đột và các nước khác tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Với thông tin trên, cùng với dự đoán nhu cầu dầu toàn thế giới tăng lên là lý do giúp giá dầu thô tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 31/8, giá dầu thô Mỹ tăng 1,27 USD/thùng (+2,69%), lên 47,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,52 USD (+2,90%), lên 52,38 USD/thùng.

Trái ngược với giá vàng, sau phiên hồi phục mạnh với mức tăng 8,97% với dầu thô Mỹ và 9,87% với dầu thô Brent trong tháng 7, chấm dứt chuỗi 6 tháng giảm trước đó, giá dầu thô đã trở lại đà giảm trong tháng 8 với mức giảm lần lượt là 5,86% và 0,51%.

Tin bài liên quan