Dầu và USD đang “đánh hội đồng” các thị trường mới nổi

Dầu và USD đang “đánh hội đồng” các thị trường mới nổi

(ĐTCK) Giá trị đồng nội tệ của các thị trường đang nổi đang giảm xuống mức thấp kỷ lục của 14 năm qua so với đồng đô la Mỹ (USD) hôm 8/12, do các nhà đầu tư chuyển hướng sang tích trữ USD, trong khi giá dầu mỏ cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục của 5 năm.

Theo đó, chỉ số tiền tệ các thị trường đang nổi của JPMorgan, thước đo sức mạnh tỷ giá đồng nội tệ của các nền kinh tế đang phát triển so với USD đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, đồng USD mạnh lên cũng đang tạo ra sức ép lớn hơn đối với giá dầu Brent, khi tiếp tục giảm 4% xuống chỉ còn hơn 66 USD/thùng. Vậy là kể từ đầu năm 2014 đến nay, giá dầu mỏ đã giảm tới 40%.

Trên thực tế, các thị trường đang nổi như Nga, Nigeria và Mexico đã bị tác động nặng nề khi đồng USD tăng giá, hoạt động xuất khẩu chậm lại do tăng trưởng yếu tại Trung Quốc và giá hàng hóa thấp hơn. Bản thân Nga đang phải vận lộn để đối phó với lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine, khi đồng rúp đã giảm giá xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998; còn đồng naira của Nigeria cũng rớt xuống ngưỡng cực thấp, 187 naira đổi 1 USD hồi đầu tháng 12 này. 

Tuy nhiên, ngay cả các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu mỏ như Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi (vốn sẽ nhiều lợi thế khi giá dầu thấp) cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Đồng nội tệ rand của Nam Phi rơi vào nhóm tiền tệ rớt giá mạnh nhất thế giới hôm 8/12, khi tụt dốc xuống mức thấp nhất của 6 năm qua so với đồng USD, chủ yếu do các nhà đầu tư thất vọng với thông tin tài khoản vãng lai của nước này.

Cũng như Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nước nhập khẩu ròng dầu mỏ, song đồng lira của quốc gia này đã giảm giá xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 so với đồng USD. Nhà phân tích Murak Toprak của Ngân hàng HSBC nhận định: “Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nền kinh tế hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu mỏ giảm mạnh, nhưng lại gặp nhiều sức ép đối với đồng nội tệ”.

Trong khi đó, Alan Wilde, người đứng đầu Trung tâm quản lý tài sản Barings cho rằng: “Điều đang xảy ra với đồng nội tệ của các thị trường đang nổi liên quan tới yếu tố bên ngoài hơn là nhân tố bên trong”. Đồng nội tệ yếu có thể có lợi với một số nước, khi hoạt động xuất khẩu giàu sức cạnh tranh hơn, song lại khiến kim ngạch nhập khẩu trở nên đắt đỏ, qua đó đẩy lạm phát và các khoản nợ bằng đồng USD tăng cao.

Sự tụt dốc mạnh mẽ của các thị trường tiền tệ đã nhấn mạnh ranh giới tăng trưởng giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới. Nền kinh tế lớn nhất thế giới rõ ràng đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi kinh tế đáng kể, trong khi tốc độ tăng trưởng của các khu vực khác trên thế giới vẫn còn chậm chạp. Số liệu công bố ngày 8/12 cho thấy, kinh tế Nhật Bản suy thoái sâu hơn báo cáo ban đầu, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng phải hạ thấp hơn dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tuy nhiên, Giám đốc đầu tư của Fidelity Worldwide Investment (một trong những Tập đoàn quản lý quỹ lớn nhất thế giới), Dominic Rossi nhận định, thông tin tích cực của kinh tế Mỹ lại đang tạo ra rào cản, đặc biệt là tổn thương tài chính, đối với các thị trường đang nổi.

Cùng chung quan điểm, báo cáo của Ngân hàng Đầu tư quốc tế (BIS) cũng lưu ý về các rủi ro về khoản nợ khổng lồ bằng đồng USD của nhiều nền kinh tế đang phát triển. Theo số liệu thống kê, tăng trưởng tín dụng tại nhiều thị trường mới nổi đã bùng nổ trong năm nay, với các khoản vay thông qua hình thức trái phiếu quốc tế có giá trị lên tới 2.600 tỷ USD, trong đó 3/4 là vay bằng đồng USD.

Tin bài liên quan