Đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc: Từ thu hút tới quan ngại?

Đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc: Từ thu hút tới quan ngại?

(ĐTCK) Những băn khoăn về ảnh hưởng quá lớn của các doanh nghiệp nước ngoài cũng như quan điểm cho rằng, khối doanh nghiệp này đã gặt hái quá nhiều lợi ích tại Trung Quốc khiến không ít nhà hoạch định chính sách nước này quan ngại.

Theo số liệu thống kê những năm gần đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm trung bình khoảng 3% tổng cơ cấu vốn đầu tư tại Trung Quốc. Riêng trong năm 2016, Trung Quốc đã đón nhận khoảng 125 tỷ USD vốn FDI.

Những con số này, cùng quan điểm cho rằng các công ty nước ngoài đã gặt hái quá nhiều lợi ích tại Đại lục, khiến không ít nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lên tiếng kêu gọi Chính phủ cần mở rộng kiểm soát các ngành công nghiệp và công nghệ trọng yếu trước làn sóng bùng nổ đầu tư nước ngoài thời gian qua.

Tuy nhiên, phân tích của Enright, Scott & Associates và Hinrich Foundation trong 16 tháng qua về giá trị mà các khoản đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra tại Trung Quốc cho thấy một cái nhìn hoàn toàn khác.

Chẳng hạn, trong một số ngành công nghiệp tiên tiến, bao gồm máy tính, ô tô và sợi hóa học, các doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm 30 - 50% tài sản, doanh thu, giá trị gia tăng và việc làm tại Trung Quốc.

Dựa trên những phân tích tác động kinh tế trong giai đoạn 2009 - 2013, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng các nhà cung cấp Trung Quốc có thể chiếm tới 1/3 GDP và 27% lao động của Trung Quốc.

Các tác động tích cực khác của FDI tại Trung Quốc thậm chí còn rộng hơn. Chúng có thể bao gồm việc hiện đại hóa các ngành công nghiệp địa phương, mở rộng và tạo cơ hội cho các nhà cung cấp và phân phối trong nước, đem lại cải tiến công nghệ với trên 1.500 trung tâm nghiên cứu có vốn tài trợ nước ngoài. Hoặc tạo ra làn sóng khởi nghiệp trong nước, bao gồm trên 100 doanh nghiệp công nghệ cao được thành lập tại riêng Bắc Kinh từ chính những nhân viên từng hoạt động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

FDI còn có tác động khuyến khích cải thiện các thông lệ kinh doanh, đặc biệt trong tiêu chuẩn kế toán và sản xuất; hiện đại hóa đào tạo và giáo dục quản lý; tạo ra nhu cầu đối với dịch vụ cao cấp bằng cách dịch chuyển đội ngũ quản lý và điều hành toàn cầu tới Trung Quốc; thúc đẩy cải cách thể chế, pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư.

Nghiên cứu cũng chỉ ra trường hợp một số thành phố và công ty ghi nhận tác động đáng kể của FDI. 2/3 sản lượng công nghiệp của Thượng Hải và 90% sản lượng công nghệ cao của thành phố đến trực tiếp từ các doanh nghiệp có vốn ngoại. Khoảng 20% GDP của Thâm Quyến đến trực tiếp từ xuất khẩu ròng của khối doanh nghiệp có vốn ngoại, trong khi hơn một nửa sản lượng công nghiệp từ đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp FDI đã đưa Trùng Khánh từ một thành phố chưa từng sản xuất máy tính cá nhân trở thành nơi sản xuất hơn 1/3 máy tính của thế giới chỉ trong 6 năm qua.

Điều này cho thấy, FDI và khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc, trong 35 năm qua luôn đóng góp quan trọng trên mỗi bước đường phát triển của kinh tế Đại lục.

Vì thế, những băn khoăn về ảnh hưởng quá lớn của các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc là có cơ sở nhất định. Tuy nhiên, kịch bản Trung Quốc “quay lưng” với nguồn lực kinh tế nước ngoài sẽ rất khó xảy ra.

Hiện kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều bất định và rủi ro đáng kể. Tăng trưởng chậm lại, dòng tiền chảy ra bên ngoài, các khoản vay không sinh lời gia tăng và gánh nặng nợ của các chính quyền địa phương làm dấy lên những lo ngại sâu sắc về nguy cơ hạ “cánh cứng” cả bên trong và bên ngoài Đại lục.

Do đó, thúc đẩy tăng trưởng và vượt qua những khó khăn kinh tế sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của Trung Quốc năm 2017. Các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh có thể giải quyết những thách thức này một cách dễ dàng hơn thông qua việc theo đuổi hợp tác lớn hơn với giới đầu tư quốc tế, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc muốn đẩy mạnh phát triển lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ và chế tạo tiên tiến.

Trong năm qua, Trung Quốc đã thực thi hàng loạt biện pháp chuyển đổi nền kinh tế, từ sáng kiến “một vành đai, một con đường” theo kiểu “con đường tơ lụa” mới, định hướng phát triển “sản xuất tại Trung Quốc vào năm 2025”, hay tham vọng bá chủ công nghệ thông qua chiến lược “Internet cộng” (Internet Plus).

Tin bài liên quan