Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Dầu thô tăng mạnh, nhà đầu tư chứng khoán lưỡng lự

(ĐTCK) Giá dầu tăng mạnh giúp nhóm cổ phiếu năng lượng có phiên giao dịch khởi sắc, nhưng lo lắng về tình hình Hy Lạp và khả năng Fed tăng lãi suất khiến chứng khoán Âu, Mỹ giằng co mạnh.

Trong phiên thứ Ba, giá dầu tăng hơn 3% khi kho dự trữ dầu của Mỹ tiếp tục giảm, hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu năng lượng. Tuy nhiên, trước khả năng Fed sẽ có quyết định tăng lãi suất vào cuộc họp tuần tới và tương lai chưa rõ ràng của Hy Lạp khiến giới đầu tư thận trọng.

Phố Wall có phiên giao dịch đầy biến động trước khi kết thúc phiên gần như không đổi so với mức giá đóng cửa phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Dow Jones giảm 2,51 điểm (-0,01%), xuống 17.764,04 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87 điểm (+0,04%), lên 2.080,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,76 điểm (-0,15%), xuống 5.013,87 điểm.

Tại châu Âu, cuộc đàm phán nợ giữa Hy Lạp và các chủ nợ đang trong giai đoạn cuối, nhưng quan chứng châu Âu bày tỏ sự thất vọng với Hy Lạp và cảnh báo Athens về những rủi ro đang xảy ra.

Chính thông tin về tình hình Hy Lạp, cũng như lo lắng về khả năng Fed tăng lãi suất khiến chứng khoán châu Âu cũng có phiên giảm điểm tiếp theo trong ngày thứ Ba, xuống mức thấp nhất 3 tháng rưỡi.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 36,24 điểm (-0,53%), xuống 6.753,80 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 63,63 điểm (-0,58%), xuống 11.001,29 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 7,44 điểm (-0,15%), xuống 4.850,22 điểm.

Lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất cũng tác động mạnh tới chứng khoán Nhật Bản và Hồng Kông trong phiên thứ Ba. Trong đó, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất 1 tháng, trong khi chứng khoán Hồng Kông cũng mất 1,2%, xuống mức thấp nhất 2 tháng.

Kết thúc phiên 9/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 360,89 điểm (-1,76%), xuống 20.096,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 326,76 điểm (-1,20%), xuống 26.989,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 18,35 điểm (-0,36%), xuống 5.113,53 điểm.

Trên thị trường vàng, tưởng chừng với nhiều thông tin hỗ trợ tích cực như tình hình Hy Lạp, đồng USD giảm sẽ giúp vàng có phiên tăng mạnh, nhưng đà tăng của kim loại quý này đã bị hãm lại trong phiên giao dịch Mỹ khi mỗi lo Fed tăng lãi suất tác động rất lớn tới tâm lý nhà đầu tư.

Kết thúc phiên 9/6, giá vàng giao ngay tăng 2,7 USD (+0,23%), lên 1.176,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 4,1 USD/ounce (+0,35%), lên 1.177,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 4,0 USD/ounce (+0,34%), lên 1.177,6 USD/ounce.

Trong khi đó, như đã nói, thông tin về kho dự trữ dầu của Mỹ tiếp tục giảm trong tuần trước đã giúp dầu đảo chiều tăng vọt trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 9/6, giá dầu thô Mỹ tăng 2,00 USD/thùng (+3,33%), lên 60,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,19 USD (+3,38%), lên 64,88 USD/thùng.

Tin bài liên quan