Phố Wall yếu lực về cuối phiên thứ Tư do áp lực chốt lời và giá dầu giảm mạnh (Ảnh minh họa:AFP)

Phố Wall yếu lực về cuối phiên thứ Tư do áp lực chốt lời và giá dầu giảm mạnh (Ảnh minh họa:AFP)

Dầu thô lao dốc, chứng khoán bị rung lắc, giá vàng trở lại

(ĐTCK) Giá dầu thô giảm mạnh, trả lại hết những gì đã có trước đó, khiến chứng khoán bị rung lắc theo trong phiên thứ Tư sau chuỗi tăng liên tiếp. Những “yếu tố bên ngoài” trên giúp giá vàng ăng trở lại.

Sau 3 ngày tăng mạnh và liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, phố Wall đã chịu áp lực chốt lời trong phiên thứ Tư. Cùng với đó, sự sụt giảm của giá dầu, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng giảm mạnh cũng tác động tiêu cực lên phố Wall. Tuy nhiên, sự vững chắc của nhóm cổ phiếu phòng thủ đã giúp Dow Jones và S&P 500 duy trì sắc xanh nhạt và chừng đỏ cũng đủ giúp 2 chỉ số này tiếp tục thiết lập đỉnh cao lịch sử mới, trong khi Nasdaq không được may mắn như vậy khi đảo chiều giảm nhẹ.

Giới đầu tư đang kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý II khả quan của các công ty sắp được công bố để duy trì đà tăng của phố Wall.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Dow Jones tăng 24,45 điểm (+0,13%), lên 18.372,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,29 điểm (+0,01%), lên 2.152,43 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 17,09 điểm (-0,34%), xuống 5.005,73 điểm.

Chứng khoán châu Âu đã giảm nhẹ trở lại từ mức cao nhất gần 2 tuần sau chuỗi phiên tăng lên tiếp. Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng là tác nhân khiến chứng khoán châu Âu điều chỉnh. Trong khi đó, giới đầu tư đang chờ đợi quyết định giảm lãi suất chính thức của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) để giúp nền kinh tế chống chọi với những tác động tiêu cực từ Brexit.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 10,29 điểm (-0,15%), xuống 6.670,40 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 33,36 điểm (-0,33%), xuống 9.930,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 3,88 điểm (+0,09%), lên 4.335,26 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á tiếp tục duy trì đà tăng, dù mức tăng đã khiêm tốn hơn nhiều so với các phiên trước đó.

Với mức tăng hơn 0,8% trong phiên thứ Tư, chỉ số Nikkei 225 đã lên mức cao nhất hơn 1 tháng và tính từ đầu tuần, tức sau thông tin chiến thắng của Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe tại thượng viện, chỉ số này đã tăng tới 7,4%. Ngoài ra, kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế cũng góp phần giúp chứng khoán Nhật Bản có chuỗi tăng ấn tượng vừa qua.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng tiếp tục duy trì đà tăng khi dữ liệu thương mại của Trung Quốc vừa công bố yếu hơn dự kiến, làm gia tăng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 135,78 điểm (+0,84%), lên 16.231,43  điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 97,63 điểm (+0,45%), lên 21.322,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 11,01 điểm (+0,36%), lên 3.049,38 điểm.

Giá vàng đã có phiên hồi phục trở lại trong ngày thứ Tư nhờ lực mua bắt đáy sau khi giảm mạnh phiên trước đó do áp lực chốt lời và sự tích cực trên thị trường chứng khoán. Theo giới phân tích, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Kết thúc phiên 13/7, giá vàng giao ngay tăng 9,6 USD (+0,72%), lên 1.342,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 8,3 USD (+0,62%), lên 1.343,6 USD/ounce.

Theo Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 2,5 triệu thùng, thấp hơn con số 3 triệu thùng của giới phân tích. Trong khi đó, hàng tồn kho sản phẩm chưng cất tăng mạnh nhất kể từ tháng Giêng và kho dự trữ xăng bất ngờ tăng tuần trước.

Thông tin trên đã khiến giá dầu thô lao dốc trở lại trong phiên thứ Tư, trả lại hết những gì đã có được trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 13/7, giá dầu thô Mỹ giảm 2,05 USD/thùng (-4,58%), xuống 44,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,21 USD (-4,78%), xuống 46,26 USD/thùng.

Tin bài liên quan