Niềm vui đã trở lại với phố Wall trong ít phút cuối phiên thứ Tư (Ảnh minh họa: AFP)

Niềm vui đã trở lại với phố Wall trong ít phút cuối phiên thứ Tư (Ảnh minh họa: AFP)

Dầu thô đảo chiều ngoạn mục, phố Wall được “cứu”

(ĐTCK) Giảm giá trong phần lớn của phiên thứ Tư, khiến chứng khoán Á, Âu giảm mạnh, phố Wall cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ, nhưng về cuối phiên bất ngờ nhận thông tin hỗ trợ, giá dầu thô đã đảo chiều ngoạn mục, giúp phố Wall đảo chiều theo và có được phiên tăng điểm.

Cũng giống chứng khoán châu Á và châu Âu, chứng khoán Mỹ cũng chủ yếu chìm trong sắc đỏ trong gần như suốt phiên thứ Tư. Tuy nhiên, về cuối phiên, sự phục hồi của giá dầu giúp phố Wall đảo chiều thành công và đóng cửa với mức tăng nhẹ.

Sự phục hồi, của giá dầu cũng giúp lo ngại về khoản nợ của các công ty năng lượng với các ngân hàng đầu tư được giảm bớt, do đó nó giúp cho cổ phiếu của cả 2 cùng đảo chiều tăng giá về cuối phiên.

Dữ liệu kinh tế của Mỹ vừa công bố cho thấy, doanh số bán nhà cho hộ gia đình trong tháng 1 bị sụt giảm do ảnh hưởng từ sự sụt giảm của phía Tây, nhưng sự phục hồi tổng thể của thị trường vẫn ổn đinh.

Cụ thể, doanh số bán nhà trong tháng 1 giảm 9,2%, xuống mức điều chỉnh theo mùa là 494.000 đơn vị, thấp hơn mức dự đoán 520.000 đơn vị của giới phân tích. Trong đó, doanh số phía Tây sụt giảm 32,1%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014 và là tỷ lệ giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2010, phía Trung Tây cũng giảm 5,9%, còn doanh số vùng Đông Bắc lại tăng 3,4%, Đông Nam cũng tăng 1,8%, bất chấp có trận bão tuyết lịch sử trong tháng Giêng.

Tuy nhiên, báo cáo hôm thứ Ba lại cho thấy, doanh số bán nhà cũ trong tháng Giêng đã lên mức cao nhất 6 tháng và giá nhà tăng 5,7%.

Báo cáo khác của Công ty Markit cho biết, chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã giảm xuống mức 49,8 trong tháng 2 từ mức 53,2 trong tháng 1. Mức dưới 50 cho thấy sự co hẹp trong lĩnh vực dịch vụ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão tuyết lịch sử ở phía Đông đã làm sai lệch chỉ số này. Mặc khác, trong quá khứ Markit cũng đã có lần đánh giá sai sức khỏe của ngành công nghiệp dịch vụ của Mỹ.

Theo Viện quản lý nguồn cung Mỹ, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục có tháng mở rộng thứ 72 liên tiếp, mặc dù đà tăng đã chậm lại từ tháng 11/2015.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ ược đạt 0,7% trong quý IV/2015 và dự báo tăng trên 2% trong quý I/2016.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Dow Jones tăng 53,21 điểm (+0,32%), lên 16.484,99 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 8,53 điểm (+0,44%), lên 1.929,8 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 39,02 điểm (+0,87%), lên 4.542,61 điểm.

Không may mắn như phố Wall, chứng khoán châu Âu đóng cửa trước khi giá dầu thô phục hồi khiến các chỉ số chính của thị trường này tiếp tục có phiên giảm điểm với mức giảm mạnh hơn phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 95,13 điểm (-1,60%), xuống 5.867,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 248,97 điểm (-2,64%), xuống 9.167,80 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 83,08 điểm (-1,96%), xuống 4.155,34 điểm.

Tương tự chứng khoán châu Âu, ảnh hưởng của giá dầu giảm cũng khiến chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm trong phiê thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần ngoài ảnh hưởng của giá dầu còn do đồng yên tăng mạnh.

Tuy nhiên, chứng khoán Trung Quốc lại đảo chiều thành công trong những phút cuối để chốt phiên với sắc xanh.

Kết thúc phiên 24/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 139,26 điểm (-0,85%), xuống 15.915,79 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 222,33 điểm (-1,15%), xuống 19.192,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 25,56 điểm (+0,88%), xuống 2.928,90 điểm.  

Với sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán châu Á và đặc biệt là đợt giảm mạnh trên thị trường chứng khoán châu Âu và nửa phiên đầu chứng khoán Mỹ, giá vàng đã tăng vọt lên trên mốc 1.250 USD/ounce. Tuy nhiên, vào cuối phiên, việc giá dầu thô hồi phục, kéo phố Wall đảo chiều tăng theo đã khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng giảm đi, buộc giá kim loại quý này hạ nhiệt và chỉ còn mức tăng nhẹ.

Kết thúc phiên 24/2, giá vàng giao ngay tăng 3,0 USD (+0,25%), lên 1.228,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 12,5 USD (+1,02%), lên 1.239,1 USD/ounce.

Giảm giá trong phần lớn của phiên giao dịch thứ Tư, nhưng vào cuối phiên Mỹ, giá dầu thô bất ngờ đảo chiều khi Mỹ công bố kho dự trữ dầu thô tuần trước giảm không như dự báo.

Kết thúc phiên 24/2, giá dầu thô Mỹ tăng 0,28 USD (+0,88%), lên 32,15 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,14 USD (+3,31%), lên 34,41 USD/thùng.

Tin bài liên quan