Dầu mỏ: rủi ro “bí ẩn” 2017-2018

Dầu mỏ: rủi ro “bí ẩn” 2017-2018

(ĐTCK) Kể từ nửa cuối năm 2014, thị trường “vàng đen” toàn cầu chứng kiến giai đoạn trượt dốc mạnh mẽ và tình trạng dư cung kéo dài dai dẳng. Bất chấp nhu cầu vẫn tăng trong hai năm 2015 và 2016, song nguồn cung dư thừa là nguyên nhân khiến các kho dự trữ dầu thô luôn trong tình trạng quá tải.

Chỉ đến khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng hồi tháng 11/2016, chu kỳ tái cân bằng thị trường sau 2,5 năm qua mới thực sự tiến tới trọng tâm và làn sóng tăng sản lượng “vàng đen” đã chậm lại từ chính OPEC, cũng như một số nhà sản xuất dầu mỏ khác tham gia thỏa thuận này.

Tuy nhiên, giới phân tích năng lượng cho rằng, một khi quá trình tái cân bằng này kết thúc, thị trường “vàng đen” có thể mở ra 3 xu hướng: 1) Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường; 2) Tiếp tục gây ra các căng thẳng tài chính đối với một số nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn; 3) Tạo ra sự bất ổn tiềm ẩn khi nguồn dự trữ dầu mỏ giảm đáng kể. 

Những nỗ lực thúc đẩy quá trình tái cân bằng

Có thể nói, thỏa thuận cắt giảm 1,2 triệu thùng/ngày của OPEC giữ vai trò cực kỳ quan trọng để cứu thị trường năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2016 và đầu năm 2017, bù đắp đáng kể cho lượng dư cung từ chính những thành viên OPEC.

Bất chấp giai đoạn giá dầu “sụp đổ”, lượng dầu thô Iraq xuất ra thị trường tăng gần 800.000 thùng/ngày so với các mức trước đó. Iran cũng không hề kém cạnh, khi liên tục tận dụng các lệnh trừng phạt được phương Tây nới lỏng để phục hồi sản lượng trong nước và tăng cường xuất khẩu nhằm lấy lại thị phần đã mất. 

Về phần mình, Ả Rập Xê-út cũng duy trì sản lượng của mình ở mức trên 10 triệu thùng/ngày, trước khi OPEC đạt được thỏa thuận. Vượt qua những khác biệt lợi ích nhằm tránh gây ra những “đổ vỡ” quá sâu đối với giá dầu, các nhà sản xuất OPEC cuối cùng đã thành công trong xây dựng một mức trần sản lượng, qua đó kéo giá “vàng đen” tương đối ổn định quanh mức
51-55 USD/thùng từ tháng 12/2016 đến nay. 

Chưa phải là bước ngoặt thực sự

Trái với những nhận định báo chí đưa ra tại thời điểm OPEC đạt được thỏa thuận, nhiều nhà phân tích cho rằng, đó chỉ nên được coi là sự thay đổi chính sách tạm thời, hơn là một bước đi “lịch sử” hướng tới khả năng quản lý nguồn cung một cách tích cực. Lý do chủ yếu là nó đã giúp chính các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ có cơ hội phục hồi trước các tín hiệu đáng mừng của mức giá trên 50 USD/thùng như hiện nay.

Sự phục hồi sản lượng dầu đá phiến của Mỹ diễn ra thậm chí nhanh hơn dự báo của Cơ quan phân tích và tư vấn Eurasia Group. Điều đó minh chứng mối quan hệ “kéo-đẩy” rất mạnh mẽ giữa OPEC và các nhà sản xuất Mỹ.

Theo Eurasia Group, giá dầu ngọt nhẹ WTI sẽ duy trì ở ngưỡng trung bình 53 USD/thùng trong nửa đầu năm 2017, tăng lên mức 56 USD/thùng giai đoạn nửa cuối năm và 60 USD/thùng năm 2018. Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út Khalid al-Falih từng tuyên bố, ông không cho rằng OPEC cần phải cắt giảm thêm sản lượng sau khi thỏa thuận hết hiệu lực. Tới thời điểm đó, các nguồn dự trữ dầu mỏ toàn cầu có thể không quay trở lại các mức thông thường và thế “tiến thoái lưỡng nan” vẫn được duy trì. 

Căng thẳng tài chính

Ngay cả khi quá trình tái cân bằng thị trường dầu mỏ kết thúc tại thời điểm hiện tại, triển vọng trong dài hạn đối với các nhà xuất khẩu “vàng đen” phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu trong tương lai.

Ả Rập Xê-út, trong kế hoạch tầm nhìn 2030 của mình, đã cân nhắc về khả năng chuyển đổi và đa dạng hóa nền kinh tế để thích ứng với một thế giới có giá dầu thấp hơn, song đây vẫn thực sự là giai đoạn khó khăn nhất.

Các nền kinh tế khác như Nga cũng sớm nhận ra những sức ép dài hạn nếu phụ thuộc vào doanh thu dầu khí. Đó là chưa kể, những nhà xuất khẩu dầu mỏ có chi phí sản xuất cao như khai thác trữ lượng nước sâu, đã bắt đầu từ bỏ tham vọng mở rộng đầu tư sản lượng mới.

Nhìn chung, với thế giới các nước phát triển, mức giá dầu thô như hiện nay là chấp nhận được, sau giai đoạn biến động giá mạnh mẽ gây ra những tác động về mọi mặt của đời sống xã hội. 

Iran vẫn là “rủi ro” bí ẩn

Trong 2 năm 2017 và 2018, một trong những rủi ro lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ được dự đoán sẽ là mối quan hệ giữa Mỹ và Iran dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Eurasia Group không cho rằng, ông Trump sẽ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, dù tân Tổng thống Mỹ từng nhiều lần gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ”. Tuy nhiên, những trừng phạt mạnh tay hơn của chính quyền Mỹ sau các đợt thử tên lửa đạn đạo mới đây của Tehran có thể là bước đi của một loạt hành động leo thang giữa 2 nước.

Câu trả lời về tác động của những hành động leo thang đối với thị trường dầu mỏ vẫn còn bỏ ngỏ. Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, sự kết thúc của chu kỳ tái cân bằng thị trường “vàng đen” sẽ lại mở ra một khởi đầu của những biến động mới.

Tin bài liên quan