Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn

Chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn

Đằng sau các động thái lãi suất của Fed và BoJ

(ĐTCK) Các động thái về lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mới đây khiến thị trường chứng khoán quốc tế khởi sắc trong hồ nghi.

Không nằm ngoài dự đoán, dù trong nội bộ Fed còn tồn tại những bất động sâu sắc, Ngân hàng Trung ương Mỹ vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25-0,5%/năm, song họ đã phát đi những tín hiệu mạnh mẽ hơn về khả năng có thể nâng lãi suất vào những tháng cuối năm nay.

Cụ thể, 3 trong số 10 quan chức cấp cao của Fed tham dự cuộc họp thường kỳ tháng 9 đã bỏ phiếu kêu gọi thể chế tài chính này tăng lãi suất ngay lập tức. Nhưng kết luận được Fed đưa ra vẫn là duy trì chính sách tiền tệ như hiện tại và chờ đợi những bằng chứng rõ nét hơn, cũng như nhiều tín hiệu tích cực hơn nữa từ kinh tế Mỹ.

“Ủy ban nhận thấy khả năng để Fed tăng lãi suất đã tăng lên, song vẫn quyết định sẽ chờ thêm các bằng chứng trong tiến trình hướng tới các mục tiêu đã đề ra”, biên bản của Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC - cơ quan hoạch định chính sách của Fed) nêu rõ. 

Đằng sau các động thái lãi suất của Fed và BoJ ảnh 1

Về phần mình, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi kết thúc phiên họp, Chủ tịch Fed Janet Yellen khẳng định, nhìn chung, Fed cảm thấy hài lòng với tình hình kinh tế Mỹ hiện nay, song cơ quan này không thay đổi chính sách lãi suất hiện tại vì muốn tìm kiếm sự cải thiện rõ nét hơn trên thị trường lao động, trong bối cảnh lạm phát của Mỹ vẫn đang ở dưới ngưỡng mục tiêu 2%.

Động thái giữ nguyên lãi suất của Fed đã giúp các nhà đầu tư “tìm lại nụ cười” và thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc. Các chỉ số Dow Jones, S&P 500 đều tăng khá mạnh, trong khi chỉ số Nasdaq chốt phiên ngày 21/9  ở mức cao nhất trong lịch sử là 5.295,18 điểm, tăng tới 12 điểm so với kỷ lục được thiết lập ngày 7/9. Phía bên kia bờ Đại Tây Dương, các chỉ số FTSE 100 trên sàn London, DAX 30 trên sàn Frankfurt, CAC 40 trên sàn Paris và chỉ số chứng khoán châu Âu tổng hợp EURO STOXX 50 cũng ghi nhận các mức tăng khá.

Thông tin Fed giữ nguyên lãi suất đã khiến đồng USD giảm mạnh, hỗ trợ tích cực cho giá vàng, giúp kim loại quý này lập đỉnh trong hơn 1,5 tuần qua.

Giới phân tích cho rằng, trên thực tế, quyết định không thay đổi chính sách tiền tệ của Fed cũng có một phần nguyên nhân từ những bất định kinh tế và chính trị bên trong, cũng như ngoài nước Mỹ.

Cụ thể, chưa đầy 2 tháng nữa, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử Tổng thống, trong khi ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump liên tục chỉ trích Fed vì đã giữ lãi suất thấp quá lâu, đồng thời cáo buộc Fed là “công cụ thao túng” của Tổng thống Barack Obama. Còn bên ngoài nước Mỹ, sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và các chính sách ngoại hối chưa rõ ràng tại Trung Quốc cũng là những “nhân tố tâm lý” nhất định tác động tới các quyết sách lãi suất của Fed.

Quyết định giữ nguyên lãi suất của Fed cũng mở ra một chương khác trong chu kỳ vận động lãi suất theo hướng “đóng băng” của thể chế tài chính này. Kể từ lần tăng lãi suất gần nhất vào cuối năm 2015, giới phân tích từng dự đoán sẽ có 4 đợt tăng lãi suất diễn ra trong năm 2016. Kết quả đến nay cho thấy sự khác biệt rất lớn.

Biểu đồ dự đoán tăng lãi suất mới nhất của các nhà hoạch định chính sách công bố ngày 21/9 dự đoán, có thể chỉ có một đợt tăng lãi suất diễn ra vào cuối năm nay, với mức dự đoán tập trung quanh ngưỡng 0,625%/năm (trên đồ thị, dấu chấm xanh thể hiện kịch bản nhiều chuyên gia dự đoán có khả năng xảy ra nhất). Trong khi đó, dự báo mức lãi suất của năm 2017 hiện ở mức 1,125%/năm; 1,875%/năm cho năm 2018 và năm 2019 là 2,625%/năm.

Còn tại Nhật Bản, chỉ một ngày trước đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định theo đuổi chiến lược “đại tu” toàn diện, thông qua việc duy trì chính sách lãi suất âm ở mức -0,1%/năm, trong khi điều chỉnh khung chương trình mua tài sản để tạo sự linh hoạt, duy trì lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%/năm. BoJ cũng cam kết tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ nếu cần, cho đến khi đạt được và duy trì lạm phát ở mức mục tiêu 2%.  

Quyết định này của BoJ đã giúp giảm sức ép lên các ngân hàng và các công ty bảo hiểm bị tác động bởi chính sách lãi suất âm. Nhờ đó, giá cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng, trong đó có Mitsubishi UFJ Financial Group, Mizuho Financial Group, Commerzbank hay BNP Paribas, đã khởi sắc hơn. 

Nới lỏng vẫn là trọng tâm chính sách

Đánh giá về hai động thái giữ nguyên lãi suất của Fed và BoJ, giới phân tích chưa hết hoài nghi về những hiệu quả của nó trong thời gian tới. Bởi lẽ, trên thực tế, ngân hàng trung ương các nước coi việc thực hiện chính sách lãi suất thấp như một biện pháp kích thích kinh tế, còn nâng cao lãi suất thì có tác dụng như một chiếc phanh ngăn chặn nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát cao hay giá chứng khoán tăng ảo.

Chuyên gia kinh tế Marc Faber, đồng thời là nhà sáng lập báo cáo tư vấn tài chính và đầu tư Gloom, Boom & Doom nhận định rằng, Fed hay BoJ đang phải đối phó với rủi ro lạm phát thấp khi chưa thể đạt mục tiêu lạm phát 2% (thậm chí là giảm phát tại Nhật Bản), trong khi đó, tình trạng lãi suất âm đang tác động tới các quỹ lương hưu, qua đó ảnh hưởng xấu tới những người lao động đã nghỉ hưu. Chuyên gia Faber tin rằng, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ vẫn là trọng tâm chiến lược mà Fed hay BoJ thực hiện trong ngắn hạn. Vì thế, theo ông, đây cũng chính là cơ hội để các nhà đầu tư mạo hiểm đầu tư vào vàng, khi nó đem lại lợi ích hơn các tài sản trên giấy tờ.

Chia sẻ về những hoài nghi về khả năng kiểm soát tình hình của BoJ, Giám đốc quản lý quỹ tại Miton, Eric Moore cho rằng, thử nghiệm của Nhật Bản với chương trình nới lỏng định lượng (QE) dường như vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, song ngân hàng trung ương này không muốn phá vỡ niềm tin cốt lõi mà mình đã theo đuổi trong suốt vài năm qua. Chính sách tiền tệ nới lỏng đã tỏ ra thiếu hiệu quả trong môi trường hiện nay. Do đó, Nhật Bản vẫn sẽ phải tiếp tục theo đuổi các biện pháp kích thích tài khóa hơn nữa cho “mũi tên” thứ ba của chính sách chấn hưng kinh tế (Abenomics) của Thủ tướng Shinzo Abe.

Chính sách lãi suất của Fed và BOJ được các nhà đầu tư toàn cầu quan tâm, trong đó có cả các nhà đầu tư tại Việt Nam. Việc Fed nâng lãi suất đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên và điều này dự báo về khả năng dòng tiền gián tiếp tại nhiều thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ được rút về Mỹ nếu điều đó xảy ra.

Tại Việt Nam, trong hầu hết báo cáo phân tích thời gian qua, yếu tố Fed được đề cập liên tục trong báo cáo phân tích của các tổ chức tài chính. Còn diễn biến trên thực tế cho thấy, khối ngoại đã rút ròng rất mạnh khỏi thị trường hơn 1 tháng qua. Thông tin Fed giữ nguyên chính sách lãi suất cộng với động thái đảo chiều mua ròng kỷ lục từ đầu năm 385 tỷ đồng trên HOSE phiên thứ Tư (21/9) là một tác nhân quan trọng giúp thị trường ngày thứ Năm (22/9) duy trì được nhịp tăng điểm.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, Fed vẫn tiếp tục là nhân tố cần theo dõi trong các kỳ họp tiếp theo, bởi hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam chưa thực sự có thông tin “nặng ký” hơn trong việc quyết định xu hướng giao dịch.

Tin bài liên quan