Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras

Đàm phán nợ đổ vỡ và lời cảnh báo của Hy Lạp

(ĐTCK) Cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và bộ 3 chủ nợ: Liên minh châu Âu (EU), quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) diễn ra ngày hôm qua (14/6) đã kết thúc chỉ sau 45 phút, do sự khác biệt giữa những điều mà các chủ nợ yêu cầu và những chính sách cải tổ mà Hy Lạp đưa ra.

Đây là nỗ lực mới nhất của Hy Lạp nhằm mở khóa cho gói cứu trợ trị giá 7,2 tỷ euro (8,1 tỷ USD) dành cho nước này. Chỉ còn 2 tuần nữa cho tới khi Hy Lạp phải trả tất cả các khoản nợ đến hạn cho IMF, nếu không có sự hỗ trợ về tài chính từ châu Âu, quốc gia này sẽ lâm vào tình cảnh vỡ nợ.

Sau khi đàm phán đổ vỡ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis cho biết, theo ước lượng của ông, việc Hy Lạp rút ra khỏi EU có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ euro cho nền kinh tế thế giới, cùng với đó là những tổn thất nặng nề về chính trị khi “các nhà đầu tư, công dân, các bên có liên quan nhận ra EU không phải là mối khối thống nhất”.

Ông Varoufakis đề nghị giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp thông qua một khoản vay lãi suất thấp thời hạn 30 năm trực tiếp từ Cơ chế bình ổn châu Âu (European Stability Mechanism – ESM).

ESM là quỹ cứu trợ vĩnh viễn của Khu vực đồng tiền chung châu Âu, với khả năng đổ tiền trực tiếp vào các ngân hàng mà không cần phải thông qua chính phủ các nước.

Trước thông tin về cuộc đàm phán, đồng euro ngay lập tức giảm 0,4% xuống còn 1 euro đổi 1,1219 USD trong phiên sáng nay. TTCK châu Á cũng giảm điểm ngay phiên đầu tuần sau khi cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp sụp đổ.

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 0,4% xuống còn 147,63 điểm lúc 9h01 tại Tokyo. Chỉ số Topix của Nhật Bản giảm 0,8% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,6%.

Tin bài liên quan