Đại gia Trung Quốc chi hơn 1,7 tỷ USD mua ngân hàng Luxembourg

Đại gia Trung Quốc chi hơn 1,7 tỷ USD mua ngân hàng Luxembourg

Tập đoàn Legend, doanh nghiệp sở hữu hãng sản xuất máy tính Lenovo, đã thông báo đồng ý mua 90% cổ phần của ngân hàng Banque Internationale à Luxembourg với giá 1,75 tỷ USD.

Legend cho hay tập đoàn này sẽ mua lại phần lớn cổ phần tại ngân hàng Banque Internationale à Luxembourg từ quỹ Precision Capital, đơn vị đại diện vốn của các thành viên hoàng tộc Qatar.

Chính phủ Luxembourg tiếp tục nắm giữ 10% cổ phần còn lại.

"Đây là một chiến lược đầu tư quan trọng và thú vị của Legend", ông Liu Chuanzhi, nhà sáng lập Legend và hiện giữ chức chủ tịch, khẳng định. "Dịch vụ tài chính là một trong những ngành trọng điểm tương lai của Legend".

Được thành lập năm 1856, Banque Internationale à Luxembourg là một trong những tổ chức tín dụng tư nhân lâu đời nhất tại Luxembourg. Ngân hàng này có 2.000 nhân viên và đang hoạt động tại nhiều quốc gia như Đan Mạch, khu vực Trung Đông, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Doanh thu từ ngân hàng này năm 2016 là 541 triệu euro và tổng tài sản hiện là 23 tỷ euro. 

Thương vụ nhiều khả năng sẽ hoàn tất dù chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực để điều tra một vài khoản đầu tư nước ngoài của các tập đoàn lớn trong nước, do lo ngại về mức nợ đáng báo động của các doanh nghiệp này.

Cơ quan chức năng cũng lo ngại các khoản vay của những tập đoàn lớn có thể gây ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc, và việc siết quản lý đã khiến nhiều thương vụ lớn đổ bể.

Đại gia Trung Quốc chi hơn 1,7 tỷ USD mua ngân hàng Luxembourg ảnh 1

 Tập đoàn Legend của ông Liu Chuanzhi (ảnh) công bố mua lại 90% cổ phần của ngân hàng Banque Internationale à Luxembourg với giá 1,75 tỷ USD. Ảnh: NYT.

Thương vụ mua lại Dick Clark Production của tập đoàn Dalian Wanda, gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc, đã sụp đổ hồi tháng 3/2017. Tập đoàn Wanda gần đây đã phải bán hàng loạt khách sạn và công viên giải trí nhằm giảm áp lực nợ dưới sức ép của Bắc Kinh.

Các công ty khác như tập đoàn bảo hiểm Anbang, Fosun International hay tập đoàn HNA cũng đã dùng vốn từ những khoản vay lãi thấp của các ngân hàng quốc doanh để mua những tài sản bóng bẩy ở nước ngoài.

Tập đoàn khổng lồ HNA của Trung Quốc hiện nắm giữ gần 10% cổ phần tại Deutsche Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức. Trong khi đó, hãng dược phẩm nhà nước Fosun sở hữu gần 25% cổ phần trong ngân hàng lớn nhất Bồ Đào Nha BCP.

Để phục vụ điều tra, chủ tịch Anbang, đơn vị chi 2 tỷ USD mua tòa nhà Waldorf Astoria ở New York 3 năm trước, đã bị cảnh sát Trung Quốc tạm giam hồi tháng 6/2017.

Theo số liệu từ hãng kiểm toán PwC, việc siết chặt các hoạt động mua lại tài sản ở nước ngoài của chính quyền Bắc Kinh, đã khiến giá trị sáp nhập và mua lại (M&A) của các tập đoàn lớn từ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2017 đã giảm còn 64,4 tỷ USD, giảm gần một nửa so với mức 130,9 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên các thương vụ dạng này vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Tỷ phú Gao Jisheng đã mua 80% cổ phần tại CLB bóng đá Southamton vào tháng trước. Một tập đoàn lớn khác của Trung Quốc cũng đã mua lại CLB bóng đá AC Milan của Ý hồi tháng 4/2017.

Tập đoàn Legend được thành lập năm 1984 bởi ông Liu, với khoản tài trợ từ Khoa Điện toán thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc. Công ty này khởi đầu trong ngành công nghệ thông tin và đã mở rộng đầu tư ra nhiều lĩnh vực khác.

Các khoản đầu tư của Legend bao gồm Lenovo, nhà sản xuất máy tính lớn nhất Trung Quốc; CAR, chuỗi cho thuê xe hơi lớn nhất Trung Quốc hay Lakala, một công ty dịch vụ tài chính của Trung Quốc.

Tin bài liên quan