Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Đà tăng của chứng khoán chựng lại, giá vàng hồi phục

(ĐTCK) Sau 2 phiên tăng mạnh nhờ hiệu ứng của Fed, chứng khoán Âu, Mỹ đã chựng lại trong phiên thứ Năm để chờ thông tin về bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ. Trong khi đó, lực cầu bắt đáy giúp giá vàng hồi phục.
Theo dữ liệu vừa công bố, thất nghiệp tuần trước của Mỹ bất ngờ tăng, nhưng vẫn thấp hơn mốc 300.000, cho thấy thị trường lao động vẫn lành mạnh. Hiện nhà đầu tư đang chờ đợi vào dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Dữ liệu vừa công bố đã khiến phố Wall chựng lại trong phiên thứ Năm sau 2 phiên tăng mạnh nhờ bài phát biểu với giọng điệu ôn hòa của bà Jenet Yellen, Chủ tịch Fed.

Dù kết thúc phiên cuối tháng 3, cũng là phiên cuối cùng của quý I/2016 trong sắc đỏ¸ nhưng với chuỗi tăng 7 tuần liên tiếp nhờ hiệu ứng từ Fed đã giúp phố Wall có tháng tăng điểm ấn tượng, bù đắp hết những mất mát trong tháng nửa đầu quý do tác động từ những biến động của thị trường Trung Quốc.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Dow Jones giảm 31,57 điểm (-0,18%), xuống 17.685,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,21 điểm (-0,20%), xuống 2.059,74 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,55 điểm (+0,01%), lên 4.869,85 điểm.

Trong tháng 3, chỉ số Dow Jones tăng 7,08%, chỉ số S&P 500 tăng 6,60% và chỉ số Nasdaq tăng 6,84%. Với chuỗi tuần tăng liên tiếp vừa qua, phố Wall đã trả xong nợ đầu năm và có được những điểm số dương trong năm 2016. Cụ thể, kết thúc quý I/2016, chỉ số Dow Jones tăng 1,49%, chỉ số S&P 500 tăng 0,77%, trong khi chỉ số Nasdaq vẫn giảm 2,75%

Tương tự, sau 2 phiên tăng mạnh hôm thứ Tư nhờ tác động tích cực từ bài phát biểu với giọng điệu ôn hòa của Chủ tịch Fed, chứng khoán châu Âu đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Năm do tác động từ nhóm viễn thông của Pháp với khả năng đổ bể trong thương vụ M&A và sự yếu kém của các ngân hàng Ý.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ FTSE 100 tại Anh giảm 28,27 điểm (-0,49%), xuống 6.174,9 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 81,1 điểm (-0,81%), xuống 9.965,51 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát giảm 59,36 điểm (-1,34%), xuống 4.385,06 điểm.

Trong tháng 3, chỉ số FTSE 100 tăng 1,28%, chỉ số DAX tăng 4,95% và chỉ số CAC 40 tăng nhẹ 0,72%. Trong như phố Wall, chứng khoán châu Âu vẫn chưa thể bù đắp được hết những thiệt hại đã mất đầu năm xuất phát bởi sự hoảng loạn từ Trung Quốc. Cụ thể, trong quý I, chỉ số FTSE 100 giảm 1,08%, chỉ số DAX giảm 7,24% và chỉ số CAC 40 giảm 5,43%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên liên tục tăng đã khiến Nikkei 225 liên tiếp có những phiên giảm điểm và xuống mức thấp nhất gần 2 tuần trong phiên thứ Năm. Trong khi đó, áp lực chốt lời gia tăng đã khiến chứng khoán Hồng Kông đảo chiều từ mức cao nhất 3 tháng, chứng khoán Trung Quốc đại lục may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Kết thúc phiên 31/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 120,29 điểm (-0,71%), xuống 16.758,67 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 26,69 điểm (-0,13%), xuống 20.776,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,27 điểm (+0,11%), lên 3.003,92 điểm.

Trong tháng 3, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,57%, chỉ số Hang Seng tăng 8,71% và chỉ số Shanghai Composite tăng mạnh 11,75%. Dù tăng mạnh trong tháng 3, nhưng chừng đó chỉ có thể giúp các chỉ số của chứng khoán châu Á giảm bớt thiệt hại trong quý đầu tiên của năm. Cụ thể, trong quý I, chỉ số Nikkei 225 giảm 11,95%, chỉ số Hang Seng giảm 5,19% và chỉ số Shanghai Composite giảm 15,12%.

Trên thị trường vàng, sau phiên điều chỉnh thứ Tư, giá vàng đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm nhờ lực cầu bắt đáy. Ngoài ra, dữ liệu thất nghiệp tăng của Mỹ vừa công bố, cùng với việc đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 5,5 tháng cũng hỗ trợ cho kim loại quý này tăng giá.

Kết thúc phiên 31/3, giá vàng giao ngay tăng 7,9 USD (+0,65%), lên 1.232,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 tăng 7,3 USD (+0,60%), lên 1.234,2 USD/ounce.

Trong tháng 3, giá vàng giao ngay giảm 0,49% và giá vàng giao tháng 4 giảm 0,02%. Dù giảm nhẹ trong tháng 3, nhưng nhờ những biến động trên thị trường tài chính đầu năm xuất phát từ sự bất ổn của thị trường Trung Quốc, giá vàng đã có quý tăng giá mạnh. Cụ thể, trong quý I/2016, giá vàng giao ngay tăng mạnh 16,25% và giá vàng tương lai tăng 16,41%.

Đang chịu sức ép giảm giá do nỗi lo dư cung, giá dầu thô đã dần phục hồi trở lại trong phiên Mỹ và có phiên tăng nhẹ thứ 2 liên tiếp. Giá dầu thô phục hồi sau thông tin sản lượng dầu thô của Mỹ giảm 56.000 thùng/ngày, xuống 9,179 triệu thùng/ngày trong tháng 3, theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho biết hôm thứ Năm.

Đây là tháng thứ 4 liên tiếp sản lượng dầu nội địa của Mỹ giảm và sản lượng hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2014.

Theo một thông tin khác, xuất khẩu dầu thô của Iran cho 4 khách hàng lớn nhất tại châu Á tăng 24,6% so với cùng kỳ, lên 1,27 triệu thùng/ngày trong tháng 2, mức cao nhất 2 năm. Trong đó, nhập khẩu dầu của Ấn Độ từ Iran tăng tới 111%, lên mức 215.800 thùng/ngày trong tháng 2/2016 so với mức 102.000 thùng/ngày của cùng kỳ năm trước.

Kết thúc phiên 31/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,02 USD (+0,05%), lên 38,34 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,34 USD (+0,86%), lên 39,60 USD/thùng.

Trong tháng 3, giá dầu thô Mỹ tăng 13,6% và giá dầu thô Brent cũng tăng 10,09%. Tháng tăng mạnh này đã giúp giá dầu thô bù đắp được những thiệt hại trong 2 tháng đầu năm để có quý tăng giá lần lượt 3,45% và 6,22%.

Tin bài liên quan