Kiện tụng
Cuối tuần trước, NSE đã gửi đơn kiện SGX tới tòa án Mumbai bởi những tranh cãi xung quanh các hợp đồng phái sinh mà SGX cung cấp cho nhà đầu tư quốc tế có hoạt động đầu tư vào cổ phiếu tại Ấn Độ - một trong những thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á với vốn hóa 2,3 nghìn tỷ USD.
Xung đột giữa NSE và SGX bắt đầu xảy ra vào tháng 1/2018, khi sàn chứng khoán Ấn Độ đề nghị phía Singapore tạm hoãn kế hoạch giới thiệu sản phẩm mới hợp đồng tương lai cổ phiếu, dùng để theo dõi và phòng hộ việc đầu tư cổ phiếu của các công ty lớn tại Ấn Độ.
SGX đã phớt lờ đề nghị này và một tuần sau, 3 sàn giao dịch chứng khoán tại Ấn Độ cho biết, họ đã hủy tất cả thỏa thuận cấp phép với các sàn nước ngoài và ngừng cung cấp giá trực tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc, SGX không thể cung cấp cho nhà đầu tư các sản phẩm phái sinh dựa trên chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ.
Có khoảng 1,65 triệu hợp đồng tương lai chỉ số Nifty 50 Index được giao dịch trên SGX trong tháng 4/2018. Mặc dù đã giảm 14% so với tháng trước, nhưng đây vẫn là hợp đồng được giao dịch nhiều thứ 3 trên sàn SGX, chỉ sau hợp đồng FTSE China A50 và MSCI Taiwan.
Mặc dù vậy, SGX cho biết, sàn giao dịch chứng khoán này đã sẵn sàng để cung cấp hợp đồng tương lai SGX Ấn Độ (SGX India Futures) vào ngày 4/6 tới và hợp đồng này sẽ sử dụng các dữ liệu được công bố công khai trên thị trường.
Không chấp nhận điều này, NSE gửi đơn kiện nhằm ngăn chặn động thái của SGX tại tòa án Mumbai. Theo NSE, sản phẩm của SGX là chưa được cấp phép và không đồng nhất với các diễn biến thuộc chỉ số Nifty 50. Trước khi khởi kiện, NSE không hề gửi thông báo tới SGX, hành động được xem là sẽ “chấm dứt” mối liên kết trong 18 năm qua giữa 2 bên.
Lo ngại của giới đầu tư
Nếu NSE giành thắng lợi trong vụ kiện, đồng nghĩa với SGX phải hủy bỏ các sản phẩm phái sinh của mình, nhà đầu tư sẽ ở trong tình trạng khó có thể phòng hộ được khoản đầu tư tại Ấn Độ. Trước tình trạng này, một số nhà quản lý tài sản của các quỹ trên toàn cầu cho biết, họ có thể sớm rút vốn ra khỏi quốc gia này, hoặc hạ thấp vị thế nắm giữ, Eugenie Shen, Giám đốc chiến lược và người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản tại Asia Securities Industry & Financial Markets Association cho biết.
“Rất nhiều quỹ, tổ chức hay nhà đầu tư chuyên nghiệp ưa thích đầu tư vào Ấn Độ thông qua các sản phẩm tại nước ngoài, bởi nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn và tốn kém chi phí hơn khi đầu tư tại thị trường này”, Shen nói.
Trong khi đó, CEO MSCI Inc, một trong những nhà tạo lập chỉ số lớn nhất thế giới cho biết, MSCI “rất lo lắng” về bất đồng giữa 2 sàn Singapore và Ấn Độ, bởi điều này đe dọa tới loại hợp đồng tương lai rất phổ biến hiện nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái của Ấn Độ thực chất có mục tiêu buộc nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp vào thị trường nội địa, qua đó thúc đẩy đà tăng của thị trường, trong khi vẫn kiểm soát được dòng vốn vào ra. Nhất là khi gần đây, chính quyền Ấn Độ đã thiết lập khu vực miễn thuế cho hoạt động giao dịch, đầu tư chứng khoán, được gọi là Gift City, nhằm thay thế các trung tâm giao dịch tại nước ngoài.
Tuy nhiên, động thái này của Ấn Độ không nhận được sự ủng hộ từ các thành viên trên thị trường toàn cầu. CEO Henry Fernandez của MSCI New York cho biết: “Rất nhiều khách hàng của chúng tôi sử dụng công cụ phái sinh. Nhà đầu tư có thể sẽ tham gia nhiều hơn vào hoạt động đầu tư tại nội địa Ấn Độ, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ từ bỏ giao dịch dịch tại thị trường nước ngoài”.
Sau hành động của NSE, các luật sư của SGX đã trả lời phỏng vấn báo giới rằng, họ sẵn sàng tham gia quá trình kiện tụng để giải quyết vấn đề và tự tin vào quan điểm pháp lý của mình.