Các số liệu kinh tế tháng 6/2018 vừa được Trung Quốc công bố cho thấy, số lượng các đơn hàng xuất khẩu giảm so với tháng 5, một dấu hiệu rõ ràng của việc cuộc chiến tranh thương mại đã lan tỏa sức nóng thực tế ra thị trường, tác động tiêu cực tới tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI trong tháng 6 ở mức 51,5 điểm, so với mức 51,9 điểm trong tháng 5 và dự báo 51,6 điểm được đưa ra trước đó.
Trong khi đó, chỉ số phụ đo lường số lượng các đơn hàng xuất khẩu mới giảm xuống 49,8 điểm trong tháng 6, so với 51,2 điểm trong tháng 5, thể hiện nhu cầu yếu đi từ các quốc gia khác đối với hàng hóa Trung Quốc.
Đáng chú ý, diễn biến tương tự cũng diễn ra tại Hàn Quốc trong tháng 6, khi số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân chính xuất phát từ việc Hàn Quốc đang là nhà cung cấp chip máy tính và các linh kiện điện tử khác cho Trung Quốc, các sản phẩm này chiếm 1/4 giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Đại lục.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên công bố số liệu kinh tế tháng 6, do đó đã phần nào thể hiện sớm mối liên kết thương mại chặt chẽ giữa các nền kinh tế. Với việc đơn đặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc giảm, các quốc gia là nguồn cung hàng hóa cho Đại lục cũng chịu ảnh hưởng. Kể từ ngày 6/7 tới, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bắt đầu áp dụng mức thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đánh dấu nấc thang mới trong xung đột với Mỹ. Thị trường đang tiếp tục chờ đợi những số liệu mới được công bố kể từ sự kiện này.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát riêng lĩnh vực sản xuất còn cho thấy, viễn cảnh hoạt động xuất khẩu sẽ ngày càng diễn biến theo hướng thu hẹp. Cụ thể, Liên đoàn Logistics và Mua hàng Trung Quốc, đơn vị giúp thực hiện đo lường chỉ số PMI của Chính phủ nhận định, những đe dọa từ hàng rào thuế quan có ảnh hưởng trước tiên đến số lượng đơn hàng, sau đó là toàn bộ lĩnh vực xuất khẩu.
“Trong vài tháng trước, các doanh nghiệp đã dự báo được tình hình phức tạp của thương mại quốc tế, vì vậy chủ động giảm sản lượng. Khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, xuất khẩu sẽ theo đó mà lao dốc”, thông báo của hiệp hội này viết.
Không riêng lĩnh vực xuất khẩu, việc thị trường chứng khoán Đại lục rơi vào thị trường con gấu (bear market - thị trường theo chiều giá xuống, trong đó giá các loại chứng khoán giảm một cách đột ngột, liên tục và kéo dài), cùng việc đồng nhân dân tệ mất giá mạnh nhất kể từ năm 2015 đã cho thấy nhà đầu tư đang trong trạng thái lo lắng. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) có tiếp tục thực hiện những động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và nếu vậy, liệu có hiệu quả?
Thực tế, tới thời điểm hiện tại, mới chỉ hơn một tuần kể từ khi PBoC quyết đỉnh giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các nhà băng, “mở khóa” cho 700 tỷ nhân dân tệ (106 tỷ USD) và thị trường vẫn không có tín hiệu tích cực nào. Trong ngắn hạn, các chuyên gia kinh tế dự báo, PBoC sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong năm nay, nhưng chưa rõ liệu dòng tiền này có trực tiếp hỗ trợ tín dụng ngân hàng hay tăng trưởng kinh tế hay không. Bởi hiện tại, việc thị trường bất động sản có dấu hiệu bong bóng và khối lượng nợ doanh nghiệp khổng lồ nhiều khả năng sẽ “nuốt trọn” dòng vốn mới, thay vì mang tới hiệu quả thúc đẩy kinh tế tích cực.
Zhennan Li, người đứng đầu nhóm chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs Asia LLC dự báo, PBoC sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ bản trong mỗi quý cho tới hết năm 2018.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc đang đứng giữa 2 ngả đường, khi vừa muốn bơm tiền thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phải kiểm soát tình trạng lạm dụng đòn bẩy tài chính, cũng như giải quyết khối nợ khổng lồ của các doanh nghiệp.