Cuộc chiến mới trên thị trường quảng cáo trực tuyến

Cuộc chiến mới trên thị trường quảng cáo trực tuyến

(ĐTCK) Với người muốn tìm kiếm giây phút thư giãn trên không gian mạng, thì sự ra đời của ứng dụng chặn quảng cáo được coi là “bảo bối trời cho”. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, công nghệ này lại chính là “kẻ thù” và thách thức cực lớn đối với giới tiếp thị.

Không thể phủ nhận, có rất nhiều nội dung quảng cáo không phù hợp mà người dùng có thể bắt gặp trên những trang mạng, trong bối cảnh các nhà tiếp thị luôn tìm mọi cách để đưa thương hiệu của họ tiếp cận tới càng nhiều khách hàng tiềm năng càng tốt. Chính vì vậy, các công cụ chặn quảng cáo trực tuyến, mà hiện tại không ít người dùng ưa thích, đã trở thành mối đe dọa, là “nhân tố nguy hiểm” đối với doanh số bán hàng và thu nhập của giới tiếp thị.

Raja Rajamannar, Trưởng bộ phận Truyền thông và tiếp thị của MasterCard, cho rằng: “Điều người dùng muốn nói khi sử dụng công cụ chặn quảng cáo là ‘tôi đang bị làm phiền bởi các nội dung vô nghĩa, không phù hợp hoặc hấp dẫn đối với tôi’, hay đơn giản là họ không muốn bị ‘oanh tạc’ và mất thời gian với các thông tin này”.

“Vì thế, tôi có thể thấu hiểu tâm lý người dùng vì sao họ lại chặn quảng cáo. Tuy nhiên, với tư cách là một nhà tiếp thị, đó là thách thức cực lớn, bởi lẽ nó cũng ngăn chặn cơ hội của các nội dung quảng cáo tốt”, vị chuyên gia truyền thông này khẳng định. 

Theo báo cáo gần đây của Juniper Research, với các nhà xuất bản kỹ thuật số, công nghệ chặn quảng cáo trực tuyến có thể khiến họ thiệt hại trên 27 tỷ USD vào cuối thập kỷ này. Trong khi đó, theo số liệu độc lập của PageFair, hiện có ít nhất 419 triệu người trên toàn thế giới đang sử dụng công cụ chặn quảng cáo trên nền tảng web di động, một lĩnh vực mà các quảng cáo sáng tạo vẫn chưa thực sự chạm tới thành công.

Đối với nhiều nhà điều hành di động khác, trong kỷ nguyên chặn quảng cáo đang trở nên thịnh hành, doanh thu từ quảng cáo của họ đứng trước những mối đe dọa dần gia tăng, bất chấp việc họ đã phải chi rất nhiều tiền để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trực tuyến.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, giám đốc tiếp thị một số thương hiệu quốc tế nổi tiếng cho biết, để vượt qua những thách thức này và giành chiến thắng, các công ty cần phải lắng nghe người tiêu dùng và đặt mình vào vị trí của họ.

“Tôi cho rằng, chúng ta đang tiến tới một thế giới, nơi sự lựa chọn của khách hàng quyết định các nội dung xuất hiện và nội dung của bạn phải đủ tốt để có thể thu hút sự chú ý của khách hàng. Vì thế, sự sáng tạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành kinh doanh này”, Syl Saller, Giám đốc tiếp thị tại Diageo nhận định.

Rõ ràng, điều mà giới tiếp thị mong muốn là người tiêu dùng sẽ lựa chọn xem các quảng cáo của họ, chứ không phải chặn nó. Đó thực sự là mối quan ngại lớn, song vận mệnh của ngành quảng cáo và tiếp thị vẫn nằm trong tay người dùng, khi sẽ phải thực hiện những nội dung mà người tiêu dùng muốn xem. Theo giới chuyên gia, để tạo ra những thông tin hữu ích, hấp dẫn và mang tính giải trí, giới tiếp thị phải chuyển nội dung quảng cáo theo hướng phù hợp với người tiêu dùng, để có thể thu hút và được chú ý hơn.

Trước những thách thức từ quảng cáo trực tuyến, không ít tập đoàn quảng cáo lớn đã lựa chọn quay trở lại những “sân chơi” truyền thống như phim ảnh, video ca nhạc hay chương trình truyền hình để thúc đẩy thương hiệu của mình.

Chuyên gia Rajamannar tại MasterCard cho rằng, sự quay trở lại phân khúc quảng cáo truyền thống là giải pháp an toàn để tiếp cận người tiêu dùng, song điều này chưa cho thấy các nhà tiếp thị có thể “giải mã” mong muốn mà người tiêu dùng thực sự muốn hướng tới trên thị trường quảng cáo trực tuyến.

Tuy nhiên, MasterCard tin rằng, họ có khả năng giải quyết thách thức này. Đó là hướng tới mô hình “tiếp thị trải nghiệm”, nơi vai trò của giới tiếp thị thay đổi từ “người kể chuyện” sang “người tạo ra câu chuyện”, người tiêu dùng sẽ đóng vai trò nhất định trong đó và là một phần của câu chuyện. Chỉ khi đó, người tiêu dùng mới có động lực để nói “không” với ứng dụng chặn quảng cáo và tham gia vào câu chuyện “trải nghiệm” này.

Tin bài liên quan