Theo Goldman Sachs, giá dầu sẽ còn giảm xuống mức 20 USD/thùng trước khi cân bằng trở lại

Theo Goldman Sachs, giá dầu sẽ còn giảm xuống mức 20 USD/thùng trước khi cân bằng trở lại

Cú sốc kép trên thị trường dầu mỏ

(ĐTCK) Trong bối cảnh nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ truyền thống chưa giảm, Iran sắp quay trở lại “sân chơi” với quyết tâm gia tăng sản lượng về mức trước khi bị cấm vận thì thị trường dầu mỏ lại đón nhận thêm một nhà xuất khẩu lớn khác – Trung Quốc.

Thông tin mới nhất về thỏa thuận giữ nguyên mức sản lượng giữa Nga và Ả Rập Xê út, quốc gia đứng đầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chỉ có tác động hết sức ngắn ngủi tới giá dầu trên thị trường. Sau đó, nguyên liệu thô này nhanh chóng quay trở lại xu hướng giảm giá quen thuộc, vốn đã kéo dài từ cuối năm 2014 với nguyên nhân cơ bản là tình trạng dư cung quá lớn trên thị trường.

Xuất hiện nguồn cung mới

Thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Xê út không mang lại nhiều ấn tượng đối với giới đầu tư, bởi trong gần 4 năm qua, cả 2 quốc gia này ít có sự thay đổi lớn về sản lượng cung cấp ra thị trường. Ngay cả OPEC cũng thấy rằng, cần thực hiện những hành động tiếp theo nếu thỏa thuận giữ nguyên mức sản lượng được duy trì. 

Trong ngày đầu tuần, một quan chức đứng đầu OPEC cho biết: “Những nước sản xuất dầu lớn trên thế giới có thể sẽ phải xem xét về các hành động khác để loại bỏ tình trạng dư cung, nếu thỏa thuận giữ nguyên mức sản lượng được duy trì trong một vài tháng”.

Ông Abdullah al-Badri, Thư ký thường niên của OPEC thừa nhận rằng, OPEC đã không nghĩ rằng mức giá lại giảm sâu như vậy kể từ khi quyết định không cắt giảm sản lượng vào cuối năm 2014.

Ông cũng cho biết, OPEC đã tổ chức buổi trao đổi với các nước sản xuất dầu mỏ quan trọng khác như Brazil, Trung Quốc, Oman và Mexico về vấn đề giữ nguyên mức sản lượng. Nếu thỏa thuận về giữ nguyên mức sản lượng thành công thì OPEC cần phải tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo trong tương lai.

Trong bối cảnh nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ truyền thống chưa giảm, Iran sắp quay trở lại “sân chơi” với quyết tâm gia tăng sản lượng về mức trước khi bị cấm vận thì thị trường dầu mỏ lại đón nhận thêm một nhà xuất khẩu lớn khác – Trung Quốc.

Sự xuất hiện của Trung Quốc như một nước xuất khẩu sản phẩm dầu lớn trên thế giới, chủ yếu là dầu diesel, đã gây ảnh hưởng đến mức lợi nhuận lọc dầu của các nước châu Á, bởi chính sách nhiên liệu nội địa được ưu tiên phát triển sẽ khuyến khích các nhà máy lọc dầu Trung Quốc duy trì mức sản lượng cao và sẽ xuất khẩu sang các thị trường trong khu vực với nguồn cung dư thừa của họ.

Trung Quốc là nước sản xuất diesel lớn thứ 2 của thế giới. Cho đến tận năm ngoái, quốc gia này vẫn là nước xuất khẩu nhiên liệu khiêm tốn do lĩnh vực công nghiệp mỏ, phát điện và vận tải của họ đã sử dụng phần lớn lượng diesel sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp của quốc gia này đang phát triển chậm lại và công suất vận hành của các nhà máy lọc dầu vẫn ở mức cao để đáp ứng nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay sử dụng trong vận tải. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa diesel trong nước.

Cuối năm 2015, lượng xuất khẩu trung bình hàng tháng của Trung Quốc ở mức 865 nghìn tấn, cao hơn nhiều so với mức 329 nghìn tấn trong nửa đầu năm 2015. 

Nỗi đau kéo dài

Giá dầu mỏ sụp đổ từ cuối năm 2014 đã dẫn tới những tổn thương kéo dài tới nền kinh tế của các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn, cũng như các công ty năng lượng trên toàn cầu. Ngày thứ Hai (22/2) vừa qua, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Abdel Mahdi cho biết, chi phí đầu tư cho các công ty dầu mỏ nước ngoài đã được điều chỉnh giảm xuống còn 9 tỷ USD trong năm 2016, từ mức 23 tỷ USD được đưa ra trước đó.

Sự sụt giảm giá dầu thô kéo dài đã khiến Chính phủ Iraq, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 của OPEC, đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Bộ Dầu mỏ nước này đã kêu gọi các công ty hủy bỏ và trì hoãn các dự án đã cam kết miễn là không phát sinh chi phí lỗ.

Bộ này cho biết thêm, đầu tư cho các công ty nước ngoài trong năm 2015 của Iraq vào khoảng 13,6 tỷ USD, trong khi con số này năm 2014 là 13,1 tỷ USD. Trước đó, Iraq có kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu lên đến hơn 7 triệu thùng/ngày trong vòng 5 năm tới và xuất khẩu 6 triệu thùng/ngày trong số đó.

Cùng chịu chung “thảm cảnh” với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ là các công ty năng lượng. Giá dầu sụp đổ khiến hàng loạt công ty lớn trên toàn cầu buộc phải cắt giảm các chi phí không cần thiết, sa thải nhân viên, trì hoãn các kế hoạch đầu tư.

Mới đây, trong ngày thứ Ba (23/2), BHP Billiton đã cắt giảm cổ tức 75% và công bố mức lỗ ròng 5,67 tỷ USD. Tập đoàn này đã phải từ bỏ chính sách trả cổ tức hoặc cao hơn hoặc đều đặn hơn của họ khi mà cuộc suy thoái hàng hóa kéo dài hơn so với dự đoán. Mức lỗ ròng trong 6 tháng tính đến ngày 31/12/2015 là 5,67 tỷ USD, đây là lần lỗ đầu tiên trong hơn 16 năm qua của Công ty.

Cú sốc kép trên thị trường dầu mỏ ảnh 1

Dự báo u ám cho tương lai

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều chuyên gia cho rằng, sự sụt giảm giá dầu sẽ còn kéo dài.

Ông Sheikh Ali Khalifa, Bộ trưởng Dầu mỏ của Kuwait trong những năm 1980 cho biết, quốc gia này đã từng phải nỗ lực bán dầu với giá chỉ 5 USD/thùng để duy trì dòng tiền, do Kuwait phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ dầu mỏ. Khi nhận định về đà lao dốc của giá dầu hiện tại, ông cho rằng, giá dầu giảm xuống tới 20 USD cũng không khiến ông ngạc nhiên.

Nếu sự dư thừa dầu không được giải quyết một cách nhanh chóng thì tình hình thị trường hiện nay còn tồi tệ hơn những năm 1980. Bởi hiện nay, cú sốc cung và cú sốc cầu xảy ra đồng thời. Những nhà sản xuất dầu lớn trở nên có ít sức mạnh hơn trong việc kiểm soát tình trạng dư cung bằng việc cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, nhu cầu thị trường, trong đó chủ yếu là Trung Quốc, đang trở nên không ổn định.

Các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới cũng không ngừng đưa ra những nhận định “bi quan” về tương lai của giá dầu. Theo đó, báo cáo mới nhất của Goldman Sachs tiếp tục nhận định giá dầu giảm, việc cắt giảm sản lượng sẽ không xảy ra.

Goldman Sachs tin rằng, việc hợp tác giữa các nước thành viên OPEC và Nga để cắt giảm sản lượng dầu thô là điều chắc chắn không thể xảy ra và là điều “lợi bất cập hại”, do giá dầu cao sẽ mang một khối lượng lớn dầu đã khai thác, đang nằm trong kho dự trữ trở lại thị trường.

Ngoài ra, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu sẽ còn giảm xuống mức 20 USD trước khi thị trường tái cân bằng trở lại và dao động trong khoảng 20-40 USD/thùng cho đến nửa sau của năm nay, đủ thấp để buộc sản xuất giảm xuống tương đồng với nhu cầu.

Trong khi đó, Morgan Stanley dự báo giá dầu sẽ đứng tại mức 29 – 31 USD/thùng trong năm nay, với mức giá giảm dần qua các quý. Giai đoạn giá dầu thấp sẽ kéo dài đến quý II/2017 và giá trung bình của Brent chỉ vào khoảng 40 USD/thùng trong năm 2017.

Lạc quan hơn một chút, Ngân hàng Úc National Australia Bank (NAB) mong đợi giá phục hồi nhẹ lên mức 40 USD/thùng vào cuối năm 2016 và tăng lên 50 USD/thùng tính đến cuối năm 2017. Trong khi, PSW Investments nhận định giá dầu Brent sẽ nằm trong khoảng 35 – 45 USD/thùng trong mùa hè, với nguồn cung vẫn dư thừa đến 1,7 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, các dự báo giá dầu được đưa ra gần đây đã được điều chỉnh giảm mạnh khi nguồn cung từ Iran bổ sung vào một thị trường thế giới vốn đã quá dư thừa. Cuộc khảo sát 29 nhà kinh tế và các nhà phân tích dự báo giá dầu thô chuẩn Biển Bắc Brent đạt trung bình 41 USD/thùng trong năm nay, giảm 10 USD so với cuộc thăm dò vào tháng trước. Đây là mức giảm lớn nhất giữa các cuộc thăm dò hàng tháng kể từ tháng 1/2015, khi các nhà phân tích đã hạ thấp dự báo của họ.

Một yếu tố khác tác động tới các dự báo là nhận định của IEA khi cho rằng, sự hồi phục của dầu đá phiến sẽ khiến sản lượng dầu Mỹ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021, bởi tính hiệu quả được nâng cao sẽ giúp cho những nhà sản xuất này vượt qua tình trạng giá thấp.

Dầu đá phiến chính là mục tiêu chính trong quyết định của OPEC vào cuối năm 2014, khi họ tiếp tục bơm dầu nhiều nhất có thể để giữ vững thị phần. Tuy nhiên, theo báo cáo trung hạn của IEA, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ sẽ sụt giảm tạm thời trong năm nay và năm tới, giúp thị trường trở lại cân bằng trong năm 2017, sau đó sẽ phục hồi và có thể đạt mức 14,2 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, theo kịch bản áp lực của Bộ Năng lượng Nga với giá dầu đứng tại mức 31 - 33 USD/thùng trong năm 2016 - 2017, tăng lên 42 USD/thùng vào năm 2020, sản lượng dầu nước này có thể giảm xuống còn 460 triệu tấn trong giai đoạn 2020 - 2025 từ mức 534 triệu tấn của năm ngoái, do giá dầu thấp và các công ty cắt giảm chi tiêu vốn (ước tính khoảng 10 -15% trong giai đoạn này), và chỉ tăng nhẹ trở lại trong các năm sau đó.

Kịch bản này có thể đã tính đến tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc và các nền kinh tế châu Á khác, nguồn cung tăng từ các loại dầu rẻ của Trung Đông và mức tăng sản lượng dầu và khí đá phiến của Mỹ.          

Tin bài liên quan