Didi đã mua lại 
Uber Trung Quốc sau thời gian dài cạnh tranh quyết liệt

Didi đã mua lại Uber Trung Quốc sau thời gian dài cạnh tranh quyết liệt

Công ty Trung Quốc không còn “vỗ béo” khách hàng

(ĐTCK) Trong những năm qua, Li Weiling, 30 tuổi, chuyên viên quảng cáo với mức lương chỉ 6.000 nhân dân tệ (903 USD)/tháng, đã tận hưởng cuộc sống như một “bà hoàng” tại Bắc Kinh, bởi mọi thứ ở đây đều được phục vụ tận cửa với mức giá rẻ.

Đây là lợi ích từ việc rất nhiều công ty thương mại điện tử khổng lồ, các quỹ đầu tư và giới đầu tư toàn cầu đổ tiền vào thị trường tiêu dùng tại Đại lục. Tuy nhiên, thiên đường này đã không tồn tại được lâu.

Các dự án khởi nghiệp được hỗ trợ bởi Baidu Inc, Alibaba Group Holding Ltd và Tencent Holdings Ltd ngày càng đưa ra số lượng hàng hóa đa dạng với mức khuyến mại lớn hơn bao giờ hết. Chưa kể, hàng loạt công ty đình đám quốc tế đều tập trung phát triển tại thị trường được đánh giá là đầy tiềm năng này.

“Các công ty đỡ đầu sẵn sàng trợ cấp cho những dự án khởi nghiệp, khiến sự cạnh tranh tại thị trường này là rất khắc nghiệt. Điều này tốt cho người tiêu dùng, nhưng nó là một cuộc chiến tốn kém tiền bạc. Chưa kể, sự cạnh tranh này đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc không có đặc tính trung thành với bất kỳ nhãn hàng nào, thay vào đó, họ luôn tìm tới thứ rẻ nhất”, William Bao Bean, cổ đông lớn của hãng đầu tư SOSV cho biết.

Tất nhiên, thị trường tiêu dùng Trung Quốc là nơi mà các tập đoàn lớn không thể phớt lờ. Người dân tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể quyết định giá cả của nhiều loại hàng hóa, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng xuất khẩu của nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản. Do đó, để giành được thị phần tại thị trường dịch vụ từ online tới offline (O2O), các công ty tại đây đã đẩy mình vào cuộc chiến giảm giá nhằm lôi kéo khách hàng.

Hiện tại, giá trị và số lượng các chương trình khuyến mại đã giảm đi bởi 2 xu hướng chính trên thị trường: nhà đầu tư nước ngoài dần thoái lui và thôn tính lẫn nhau. Trong những năm qua, đầu tư vào các công ty công nghệ tại Trung Quốc trở thành làn sóng mạnh mẽ. Năm 2015, đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh qua mạng tại Đại lục đạt giá trị 20,3 tỷ USD, vượt qua con số 16,3 tỷ USD tại Mỹ và cao gần gấp 5 lần so với năm 2012, theo số liệu của PriceWaterhouseCoopers (PwC).

Theo các chuyên gia, giá trị các khoản đầu tư tư nhân và dòng tiền chảy vào lĩnh vực công nghệ tại Đại lục đã đạt mức đỉnh vào mùa thu năm ngoái. Wilson Chow, chuyên gia phân tích tại PwC ước tính, các khoản đầu tư cổ phiếu và đầu tư mạo hiểm tại đây sẽ giảm khoảng 25% trong nửa đầu năm 2016 so với 6 tháng cuối năm 2015. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cho biết, hoạt động đầu tư vào Trung Quốc đã tạm ngừng từ cuối năm ngoái.

Kai-fu Lee, người sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Sinovation Ventures tại Bắc Kinh cho rằng, tại thị trường Trung Quốc, khi một điều gì đó là xu hướng, nó có thể gia tăng lượng khách hàng gấp ba trong thời gian ngắn, nhưng khi hết được ưu thích, nó sẽ lao thẳng xuống.

“Nhà đầu tư đã bơm quá nhiều tiền vào các dự án và giờ đây, rất nhiều công ty thương mại điện tử không thể có được lợi nhuận”, Lee cho biết.

Bên cạnh đó, xu hướng sáp nhập cũng đang thống trị thị trường. Tại lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng, có rất nhiều vụ sáp nhập trị giá hàng tỷ USD đã diễn ra trong năm 2015, bao gồm: Didi – Kuaidi (chia sẻ xe); Meituan – Dianping (nhóm mua và thực phẩm); Ganji – 58.com (quảng cáo); Ctrip – Qunar (dịch vụ du lịch). Tất nhiên, không thể không nhắc tới thương vụ mới nhất khi Didi mua lại Uber Trung Quốc, sau khi đã chi hàng tỷ USD để cố triệt hạ lẫn nhau.

Hiện tại, xu hướng sáp nhập đã tạo nên những tay chơi lớn trên thị trường, thay vì nhiều công ty nhỏ như trước, điều này giúp gia tăng sức mạnh trong hoạt động kinh doanh, đồng thời khiến việc phải giảm giá mạnh để cạnh tranh là không cần thiết. Điều cần quan tâm bây giờ là, những người tiêu dùng đã quen được “ưu đãi” sẽ phản ứng ra sao trước thực tế này?

Lấy ví dụ ở lĩnh vực chia sẻ xe: số lượng người sử dụng các dịch vụ nổi tiếng tại đây đã giảm hơn 80% trong những tháng qua. Bởi thực tế, một chuyến xe sử dụng Uber tại Bắc Kinh có giá 8 nhân dân tệ vào tháng 5 thì hiện tại đã tăng lên 13 nhân dân tệ. Bên cạnh đó, số tiền khuyến mãi khách hàng được nhận cũng giảm mạnh so với đầu năm nay.

Tin bài liên quan