Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Công ty đại chúng sắp hết vai trò sau 400 năm

(ĐTCK) Những chuyên gia quan sát thị trường chứng khoán Mỹ đang hoang mang bởi một xu hướng có phần tiêu cực: Một trong những động lực phát triển bậc nhất của nền kinh tế tư bản – các công ty cổ phần đại chúng (public company) dường như đang mờ nhạt dần.

Kể từ khi Dutch East India Company được thành lập vào năm 1602, các công ty đại chúng luôn được đặt ở vị trí trung tâm của nền kinh tế.

Với hình thức này, doanh nghiệp có thể huy động nguồn lực, tiền bạc từ số đông nhà đầu tư. Nó cho phép bất kỳ ai, từ một nhà quản lý quỹ đầu tư cho tới người chơi tay ngang có khả năng sở hữu các cổ phiếu của doanh nghiệp, với khả năng trở thành Apple Inc thứ hai, hay thậm chí lớn hơn nữa. Chưa kể, với hình thức này, sự dân chủ mới bắt đầu được hình thành trong thế giới của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, gần đây, vũ trụ của các công ty đại chúng đang bị thu hẹp tại Mỹ. Hiện tại, tỷ lệ các công ty mới tiến hành chào bán cổ phần ra công chúng (IPO) ở mức chưa tới một nửa so với những năm 1980 và 1990.

Bên cạnh đó, hoạt động mua bán và sáp nhập cũng khiến hàng trăm công ty đại chúng giảm đi. Tính tới cuối năm 2017, chỉ có 3.600 doanh nghiệp niêm yết tại sàn chứng khoán Mỹ, giảm hơn một nửa so với năm 1997.

Vậy tại sao điều này xảy ra? Một số chuyên gia cho rằng, vấn đề xuất phát từ các quy định. Theo đó, kể từ sau các vụ việc gian lận kế toán vào những năm 1990, giới chức Mỹ đã ban hành Đạo luật Sarbanes-Oxley, thắt chặt thêm các luật lề về thực hiện báo cáo và trách nhiệm pháp lý đè nặng lên người quản lý doanh nghiệp đại chúng. Tuy nhiên điều này chưa hẳn chính xác, bởi xu hướng giảm đã bắt đầu kể từ cuối những năm 1990, trước cả khi sự kiện Sarbanes-Oxley diễn ra.

Thực tế, vẫn phải nhìn nhận một cách công bằng rằng, các công ty đại chúng giảm đi về số lượng nhưng không hề lụi tàn, bởi có sự tăng trưởng về kích cỡ. Hiện tại, tổng giá trị thị trường của các công ty đại chúng tính theo phần trăm với GDP đang ở gần mức đỉnh từng đạt được vào năm 1999, vào khoảng 146,9%.

Thế nhưng, việc có ít hơn số lượng, nhưng nhiều hơn những công ty lớn lại phản ánh tình trạng tập trung quá mức tại các lĩnh vực công nghiệp, điều vốn không lành mạnh đối với nền kinh tế, thậm chí gây nguy hiểm cho sự phát triển.

Trong nhiều trường hợp, việc tập trung sức mạnh vào một số tổ chức là tốt, bởi đó là kết quả tự nhiên của quá trình sáng tạo công nghệ và toàn cầu hóa, cho phép các công ty làm việc hiệu quả bậc nhất trở thành kẻ thống trị. Tuy nhiên, việc thiếu đi tính cạnh tranh mang tới nhiều hệ lụy, trong đó thứ dễ nhận thấy nhất là độc quyền.

Để giải quyết tình trạng công ty đại chúng dần hết thời, cần tìm hiểu rõ nguồn gốc của xu hướng này. Theo các chuyên gia kinh tế, câu hỏi lớn nhất cần đặt ra là liệu mô hình công ty đại chúng có đang bị đe dọa?

Nếu như trước đây, việc bán cổ phần ra công chúng là cách thức quan trọng để giúp doanh nghiệp huy động tiền và để nhà đầu tư ban đầu sớm thu hồi vốn, thì hiện tại, các công ty như Uber và Airbnb vẫn có thể thu hút hàng tỷ USD trong khi duy trì tình trạng là doanh nghiệp tư nhân.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng không cần đợi công ty chào bán cổ phần ra công chúng để rút lui, sau quá trình đầu tư khởi nghiệp, vì có thể bán trực tiếp cổ phần tại các doanh nghiệp trẻ cho công ty khác qua việc thỏa thuận. Trong năm 2017, chỉ 15% các thương vụ quỹ đầu tư mạo hiểm thoái vốn được thực hiện thông qua IPO.

Về vấn đề quản trị, dù các công ty tư nhân thường không được đánh giá cao về thông lệ quản trị tốt, điển hình là quyền kiểm soát doanh nghiệp nằm trong tay một số người. Nhưng hiện tại, việc giới chức cho phép các doanh nghiệp có cổ phiếu phân tầng niêm yết cũng gây ra tình trạng quyền lực vẫn tập trung trong tay một số nhân vật chủ chốt. Điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 hình thức này hiện chỉ là công ty đại chúng công bố thông tin tài chính một cách rộng rãi và dễ tiếp cận hơn.

Trong bối cảnh này, Jay Clayton, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ nhận định, xu hướng giảm công ty đại chúng là vấn đề rất nghiêm trọng đối với thị trường tài chính và quốc gia. Bởi việc niêm yết, công bố thông tin minh bạch luôn là thế mạnh của thị trường Mỹ trong mắt nhà đầu tư. Một khi điều này mất đi, thị trường Mỹ sẽ không còn sức hấp dẫn như trước, chưa kể những hệ lụy với nhà đầu tư.

Tin bài liên quan