Một công trường ở Indonesia. (Nguồn: Financial Tribune).

Một công trường ở Indonesia. (Nguồn: Financial Tribune).

Còn nhiều “nút thắt cổ chai” trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại ASEAN

Hiện vẫn còn quá nhiều "nút thắt cổ chai" trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại các nước Đông Nam Á (ASEAN) làm cản trở tăng trưởng kinh tế cũng như tính liên kết của khu vực.

Nhận định này được giới chuyên gia tại Hội nghị thường niên về năng lực cạnh tranh châu Á năm 2017 diễn ra trong hai ngày 23-24/11, tại Singapore.

Phát biểu tại hội nghị, tiến sỹ Cledan Mandri-Petrott đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết ASEAN đang phải đối mặt với những "nút thắt cổ chai" khá nghiêm trọng do khuôn khổ quản lý phân tán ở cấp trung ương và địa phương.

Theo tiến sỹ Petrott, tại một số quốc gia, các dự án hợp tác công-tư (PPP) được điều chỉnh bởi Đạo luật PPP hoặc theo chính sách và hướng dẫn của chính quyền trung ương.

Thậm chí ở các nước khác lại không có quy định riêng biệt hoặc chính sách cụ thể nào đối với PPP. Bên cạnh đó, hầu hết các nước đều thiếu năng lực thể chế và kỹ năng cần thiết để hỗ trợ các dự án PPP cũng như các khâu chuẩn bị dự án, thẩm định về môi trường, xây dựng hợp đồng và kỹ năng thẩm tra cấp phép còn yếu.

Ông Petrott nói: "Đó là chưa kể đến các vấn đề khác như việc thu hồi đất cho các dự án còn phức tạp, thiếu nguồn lực tài chính dài hạn... Chính những điều này đã làm cản trở việc đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng."

Thống kê của WB cho thấy mặc dù có dân số tăng trưởng vào loại nhanh trên thế giới và đầu tư cho cơ sở hạ tầng tại các nước ASEAN hầu hết đều gấp hai lần tăng trưởng GDP song sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này hiện còn thấp.

Trong giai đoạn từ 2012-2016, đầu tư từ tư nhân của cả ASEAN chỉ vào khoảng 15 tỷ USD, không đáng kể nếu so sánh với những quốc gia hàng đầu thế giới như: tại Trung Quốc các dự án PPP đã tăng 75% so với tổng đầu tư 6,52 tỷ USD trong 5 năm hay Colombia là 10,1 tỷ USD trong riêng năm 2016...

Trong khu vực, Indonesia với 6,9 tỷ USD đã trở thành quốc gia có đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cao nhất trong vòng 10 năm qua, trong đó tập trung vào các dự án năng lượng (chiếm tới 93%).

Philippines đứng thứ hai với 7 dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 5,4 tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam thì hầu hết các dự án PPP thuộc lĩnh vực nhiệt điện, với tổng vốn đầu tư là 1,8 tỷ USD trong năm 2014.

Là khách mời danh dự của Hội nghị lần này, Tổng thống Singapore Halimah Yacob nhận định toàn cầu hóa mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho các nước trong khu vực.

Trong số những thách thức này, vai trò của phát triển cơ sở hạ tầng trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân là vô cùng quan trọng.

Trên cơ sở đó, các quốc gia trong khu vực cần hợp tác chặt chẽ hơn vì lợi ích chung, đặc biệt là trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng.

Chia sẻ về những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt, Tổng thống Singapore cho rằng sự kết nối là yếu tố chủ chốt trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế và việc làm, đồng thời khẳng định Singapore đã và đang làm việc chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển đa phương để xây dựng một mạng lưới khu vực đủ mạnh hỗ trợ sự phát triển của cơ sở hạ tầng khu vực.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Cledan Mandri-Petrott cho biết WB cam kết tiếp tục hợp tác với các quốc gia trong khu vực trong việc thiết kế cũng như đưa ra các giải pháp thúc đẩy các lĩnh vực tiềm năng để hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân của mỗi quốc gia cũng như thúc đẩy tính kết nối trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của ASEAN.

Tại hội nghị, các nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia cũng như các doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận các biện pháp để khu vực có thể đạt được mức tăng trưởng cân bằng, bền vững và công bằng thông qua việc tháo gỡ các "nút thắt cổ chai" trong đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình này.

Tin bài liên quan