Cơn nghiện Oxycontin tại Trung Quốc, mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc

Cơn nghiện Oxycontin tại Trung Quốc, mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc

(ĐTCK) Tình trạng sử dụng các loại thuốc giảm đau opioid, một loại hợp chất chiết xuất từ cây thuốc phiện hoặc các hợp chất nhân tạo tổng hợp, tăng đột biến tại Trung Quốc trong vài năm gần đây. Do đó, thị trường Đại lục đang được coi là mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc, trong đó có Mundipharma.

Chiến dịch quản lý cơn đau của Bộ Y tế

Với hệ thống luật pháp nghiêm khắc đối với việc sử dụng ma túy, cùng bài học lịch sử đau đớn từ đại dịch thuốc phiện thế kỷ XIX, không một ai nghĩ đến viễn cảnh Trung Quôc sẽ trở thành một thị trường vô cùng tiềm năng cho OxyContin – một loại thuốc giảm đau được khuyến cáo đã và đang góp phần tạo nên cơn nghiện opioid tại Mỹ.

Cơn nghiện Oxycontin tại Trung Quốc, mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc ảnh 1

 Các hộp thuốc OxyContin

Thế nhưng tại Trung Quốc, đất nước đang là nạn nhân của tình trạng già hóa dân số cùng “đại dịch” ung thư, OxyContin đã đang trở thành một “cơn sốt”.

Các công ty dược phẩm đang đưa ra hàng loạt các chiến dịch thúc đẩy doanh số bán OxyContin thông qua việc “móc nối” với các dược sỹ và làm việc với đồng minh quyền lực nhất – giới chức Trung Quốc.

OxyContin được bán ở Trung Quốc thông qua Mundipharma Pharmaceutical Co, một doanh nghiệp liên kết với Purdue Pharma LP có trụ sở tại Connecticut – nhà phân phối loại thuốc giảm đau opioid có tác dụng trong nhiều tiếng đồng hồ trên toàn nước Mỹ.

Cả hai thương hiệu trên đều là những công ty tư nhân độc lập trong cùng một mạng lưới phủ sóng toàn thế giới thuộc sở hữu của đại gia đình Sackler, một trong những dòng họ giàu có nhất nước Mỹ với trị giá tài sản 13 tỷ USD, theo đánh giá từ Forbes.

Cùng với thực trạng thuốc giảm đau được phân phối tràn lan, chính phủ Trung Quốc còn phải đối mặt với những thách thức thậm chí còn lớn hơn đến từ công tác quản lý thuốc thiếu trách nhiệm trong hệ thống chăm sóc của mình.

Mundipharma tài trợ cho nhiều hội thảo chuyên môn do Bộ Y tế Trung Quốc tổ chức

Nhiều hội thảo đào tạo chuyên môn do các cơ quan công quyền Trung Quốc tổ chức về vấn đề kiểm soát cơn đau, thuộc chiến dịch Good Pain Management (Quản lý cơn đau hiệu quả) do Bộ Y tế và Hiệp hội Bệnh ung thư Trung Quốc tổ chức cho các dược sỹ được Mundipharma tài trợ.

Các chương trình này đã tiếp cận hàng ngàn bác sỹ, y sỹ tại nhiều địa phương, thường xuyên phổ cập đến họ những tác dụng “ưu việt” của OxyContin.

Mặc dù phía Mundipharma phủ nhận việc tự mình chuẩn bị các tài liệu cho chương trình quản lý cơn đau của Bộ Y tế Trung Quốc, tuy nhiên, rõ ràng Công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ mối liên kết này.

Các nghiên cứu dựa trên dữ liệu đơn thuốc được kê cho thấy, doanh số bán OxyContin tăng mạnh ở nhiều bệnh viện Trung Quốc sau khi chương trình này của Bộ Y tế được áp dụng.

Trả lời phỏng vấn trên Bloomberg Businessweek, Chủ tịch Mundipharma Trung Quốc cho biết, doanh thu của Công ty đạt 100 triệu USD năm 2015, tăng 45% so với năm 2014, với danh mục sản phẩm chủ yếu tập trung vào lĩnh vực điều trị giảm đau.

Các động thái hợp tác với phía chính phủ Trung Quốc manh nha từ năm 2011, khi công ty này bắt đầu hỗ trợ chiến dịch Good Pain Management.

Phía Công ty cho biết, “những hỗ trợ của họ đối với chiến dịch Good Pain Management bao gồm chi phí cho hoạt động cho thuê địa điểm, hỗ trợ hoạt động tổ chức tại từng giai đoạn chiến dịch”.

Cơn nghiện Oxycontin tại Trung Quốc, mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc ảnh 2

 Nhà máy sản xuất thuốc của Mundipharma

Theo video phát biểu của người đứng đầu Mundipharma Trung Quốc trên website Công ty, 60% số lượng thuốc bán ra tại thị trường Trung Quốc được sử dụng cho việc điều trị các cơn đau do ung thư.

Nguy cơ gây nghiện

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyên sử dụng thuốc giảm đau opioid liều mạnh đối với những cơn đau ung thư nếu những loại thuốc giảm đau khác không có tác dụng kèm theo, bên cạnh đó khuyến cáo các bác sỹ cần nhận thức rõ tác dụng phụ của thuốc.

Nicolas Clark, chuyên viên y tế làm việc tại bộ phận phụ trách các vấn đề liên quan đến lạm dụng thuốc và sức khỏe tâm thần tại WHO cho biết: “Cả bác sỹ và bệnh nhân đều phải nhận thức được rằng nếu họ sử dụng oipioid, sẽ có nguy cơ dù nhỏ nhưng rất nguy hiểm rằng bệnh nhân sẽ bị phụ thuộc vào thuốc. Nếu các khối u ung thư có thể được chữa lành và tỷ lệ sống của bệnh nhân cao thì việc sử dụng opioid có thể sẽ dẫn tới những liệu trình điều trị riêng biệt khác”.

Trước đó, Mundipharma China cho biết, Công ty có chính sách nội bộ nghiêm ngặt đảm bảo hoạt động kinh doanh tuân thủ theo pháp luật Trung Quốc. Mundipharrma cho biết, những tài liệu trong chiến dịch của chính phủ Trung Quốc đã được chuẩn bị bởi các chuyên gia làm việc tại Bộ Y tế nước này.

Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, được sát nhập vào Bộ Y tế từ năm 2013, không có bất cứ phản hồi nào trước những phát biểu của Mundipharma China.

Thị trường khổng lồ

Theo nhà tư vấn Persistence Market Research, thị trường tiêu thụ opioid trên toàn thế giới đã mở rộng thêm 3%, nâng giá trị lên khoảng 35 tỷ USD trong năm 2015. Với 4,3 tỷ bệnh nhân ung thư tăng thêm kể từ năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành thị trường béo bở cho các công ty trong lĩnh vực này.

Cơn nghiện Oxycontin tại Trung Quốc, mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc ảnh 3

 Thị trường Trung Quốc còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng cho nhà sản xuất OxyContin

Tuy nhiên, không như nước Mỹ, vấn đề của Trung Quốc là việc phổ biến sử dụng opioid không đi kèm với công tác đào tạo dược sỹ, nhằm tránh tình trạng lạm dụng thuốc.

Thông điệp chính cho chiến dịch của Bộ Y tế Trung Quốc là “tiêu chuẩn hóa việc điều trị những cơn đau do ung thư”. Một chuyên gia tại bệnh viện hàng đầu tại Bắc Kinh cho biết, ông và các đồng nghiệp đều nhận thấy chương trình này nhấn mạnh đến việc sử dụng OxyContin trong điều trị ung thư, coi đây là một biện pháp tiêu chuẩn.

Những cơn đau cuối

Tháng 4, Jiang Chuying, một công nhân ngành may mặc đồng thời là một bệnh nhân ung thư vào giai đoạn đầu đã sử dụng 10 miligram OxyContin để giảm nhẹ những cơn đau tại lưng và chân. Đến cuối tháng 7, cô đã cần tới 60 viên OxyContin mỗi ngày, mỗi viên có tác dụng gấp 4 lần so với thời gian đầu sử dụng.

Em gái của Jiang Chuying, người chăm sóc cô trong suốt thời gian Jiang Chuying cô điều trị ung thư đại tràng cho biết: “Chị ấy gần như dùng thuốc thay cơm. Tôi hỏi bác sỹ tại sao đã dùng thuốc giảm đau rồi mà cơn đau vẫn không dứt. Bác sỹ đã trả lời rằng nếu đã dùng rồi thì chỉ còn cách tăng liều lượng dùng mỗi lần".

Trong thời gian điều trị, Chuying đã chuyển tới 6 bệnh viện và càng ngày liều dùng OxyCotin của cô càng tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên cách tiếp cận điều trị một chiều này đã không có tác dụng. Trong suốt thời gian nội trú, em gái của Chuying đã thấy chị mình nhiều lần “gào thét đau đớn đến nỗi cả tầng bệnh viện đều có thể nghe thấy tiếng hét của chị ấy”.

Cơn nghiện Oxycontin tại Trung Quốc, mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc ảnh 4

 Jiang Chuying cùng di ảnh người chị đã mất

Bác sỹ Huang - một trong những người điều trị cho Chuying trong những tháng cuối cùng cho biết ông cho rằng Chuying đã phải trải qua những cơn đau thần kinh mà không chắc sẽ được điều trị tốt nhất bởi OxyContin.

Ông Huang cho biết, ông đã được báo rằng một đoàn kiểm tra theo dõi từ phía chiến dịch đã tới bệnh viện, khiến ông ngần ngại thay đổi phương pháp điều trị. Việc kiểm tra sau đó đã bị hủy bỏ và Huang cuối cùng đã quyết định chuyển sang sử dụng phương pháp ketamine gây mê không opioid. Theo hồ sơ bệnh án, mức độ đau đớn của Chuying giảm từ trung bình đến nhẹ trước khi cô qua đời trong tháng Tám.

Tiêu chuẩn hóa

Wang, một bác sỹ ung thư đồng ý rằng doanh số bán thuốc của Mundipharma đang tăng mạnh nhờ phần lớn vào chiến dịch từ phía chính phủ.

Ít nhất 10 nghiên cứu đơn thuốc tại các bệnh viện tư công bố trên tạp chí y học Trung Quốc công bố mối liên hệ trực tiếp giữa các chiến dịch của chính phủ với sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng OxyContin.

Ví dụ, một bệnh viện ở khu vực Tân Cương không sử dụng OyxContin cho đến khi tham dự chiến dịch vào năm 2014. Đến tháng ba năm 2015, OxyContin đã trở thành đơn thuốc thông dụng được kê khi điều trị ung thư, chiếm 98% tổng chi phí thuốc giảm đau điều trị ung thư.

Trong khi OxyContin được sử dụng với công dụng chính để điều trị những cơn đau do ung thư, loại thuốc này cũng đã được cho phép sử đụng để điều trị những cơn đau mãn tính liên quan đến lưng hay khớp.

Một trang web tại Trung Quốc gần đây đã đăng nhiều tin rao bán những hộp thuốc OxyContin còn thừa từ gia đình của những bệnh nhân ung thư. Khi Chuying chết, cô đã để lại 101 hộp thuốc được kê để điều trị tại nhà sau khi rời khỏi bệnh viện.

Cơn nghiện Oxycontin tại Trung Quốc, mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc ảnh 5

 Khi Chuying chết, cô đã để lại 101 hộp thuốc được kê để điều trị tại nhà sau khi rời khỏi bệnh viện

Dù WHO khuyên dùng một số loại thuốc giảm đau opioid để điều trị những cơn đau do ung thư, tổ chức này đã không hề nhắc đến tên OxyContin. Clark cho biết: “Không hề có bằng chứng nào cho thấy OxyContin hữu hiệu hơn các loại opioid khác”.

OxyContin là một loại oxycodone có tác dụng giảm đau kéo dài; và theo cơ sở dữ liệu từ cơ quan quản lý thuốc của Trung Quốc, chỉ có OxyContin là được bán ở Trung Quốc. Một số opioid thay thế trong nước bao gồm morphin uống, miếng dán giảm đau và các công thức tiêm khác nhau.

Từng xảy ra tại Mỹ

Tại Mỹ, opioid được được sử dụng rộng rãi từ những năm 1990 để điều trị các cơn đau không xuất phát từ ung thư; và ước tính trong năm 2015 có khoảng 1,7 triệu người Mỹ sử dụng OxyContin mà không có chỉ định từ bác sỹ, theo báo cáo đầu năm 2016 từ Bộ Y tế Mỹ.

Cơn nghiện Oxycontin tại Trung Quốc, mỏ vàng cho các nhà sản xuất thuốc ảnh 6

Purdue Pharma và 3 giám đốc điều hành Công ty đã nhận tội nói dối các bác sỹ về tỷ lệ nghiện OxyContin 

Trong năm 2007, Purdue Pharma và 3 giám đốc điều hành Công ty đã nhận tội và đồng ý trả 634.500.000 USD để giải quyết khiếu nại hình sự và dân sự liên quan đến tội danh nói dối các bác sỹ về tỷ lệ nghiện OxyContin.
Purdue cũng cho biết, chính phủ Mỹ đã bắt đầu các chiến dịch hành động liên quan đến việc phát triển và quản lý những phương pháp điều trị ngăn ngừa làm dụng thuốc.

Về lý thuyết, luật pháp Trung Quốc nghiêm khắc hơn phía Mỹ trong vấn đề sử dụng opioid. Các nhà thuốc tại Trung Quốc phải tuân thủ quy định đối với các bệnh nhân không mắc ung thư, chỉ được cho bệnh nhân sử dụng opioid khi phương thuốc giảm đau khác không có hiệu quả.

Các đối tượng này phải trên 40 tuổi và chịu đựng những cơn đau từ 4 tuần trở lên. Các dược sỹ yêu cầu phải trải qua các khóa huấn luyện liên quan đến điều trị giảm đau trước khi được quyền kê đơn cho bệnh nhân.

Tin bài liên quan