Phố Wall có phiên phục hồi hụt đầu tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall có phiên phục hồi hụt đầu tuần (Ảnh minh họa: AFP)

Cổ phiếu ngân hàng trở lại, phố Wall vẫn gặp khó

(ĐTCK) Sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước do ảnh hưởng từ sự kiện Deutsche Bank, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã phục hồi trở lại trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, cổ phiếu Apple bị chốt lời khiến phố Wall chưa thể phục hồi.

Chứng khoán Mỹ gần như không thay đổi trong phiên đầu tuần khi chịu tác động trái ngược nhau. Trong khi sự phục hồi của nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn, giúp phố Wall phục hồi, thì áp lực chốt lời tại cổ phiếu Apple kéo phố Wall lùi trở lại và đóng cửa gần như không thay đổi.

Cuộc họp của Fed sẽ diễn ra vào ngày thứ Ba và kết thúc vào thứ Tư (theo giờ Mỹ). Giới đầu tư dự đoán rằng, Fed sẽ không đưa ra quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp lần này, nhưng vẫn chờ đợi bài phát biểu của bà Janet Yellen trong cuộc họp báo sau cuộc họp để biết định hướng của Fed có tăng lãi suất trong tháng 12 hay không.

Kết thúc phiên 19/9, chỉ số Dow Jones giảm 3,63 điểm (-0,02%), xuống 18.120,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,04 điểm (-0,00%), xuống 2.139,12 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,54 điểm (-0,18%), xuống 5.235,03 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, sự phục hồi của nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng, cùng cổ phiếu hàng hóa giúp chứng khoán khu vực phục hồi khá tốt sau 2 tuần giảm liên tiếp trước đó. Ngoài ra, sự phục hồi của giá dầu thô cũng góp phần giúp chứng khoán châu Âu trở lại sau phiên giảm mạnh cuối tuần trước.

Kết thúc phiên 19/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 103,27 điểm (+1,54%), lên 6.813,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 97,70 điểm (+0,95%), lên 10.373,87 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 61,74 điểm (+1,43%), lên 4.394,19 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục giao dịch trở lại, thì chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch. Trong ngày trở lại sau kỳ nghỉ lễ này, cả chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục đều phục hồi khá tốt với kỳ vọng kết nối giữa sàn chứng khoán Hồng Kông và Thâm Quyến. Việc kết nối sàn Hồng Kông và Thượng Hải đã thu hút 824,8 triệu USD từ các nhà đầu tư đại lục chảy vào chứng khoán Hồng Kông và nhà đầu tư tại thị trường chứng khoán Hồng Kông kỳ vọng sẽ đón dòng tiền lớn hơn nữa từ đại lục một khi sàn Hồng Kông kết nối thêm với sàn Thâm Quyến.

Kết thúc phiên 19/9, chỉ số Hang Seng tăng 214,46 điểm (+0,92%), lên 23.550,45 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 23,38 điểm (+0,78%), lên 3.026,05 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch phiên đầu tuần.

Trên thị trường vàng, lực cầu bắt đáy, cùng với việc đồng USD giảm đã giúp giá vàng hồi phục trở lại. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng chờ đợi cuộc họp của Fed khiến giá kim loại quý không thể tăng mạnh.

Kết thúc phiên 19/9, giá vàng giao ngay tăng 2,8 USD (+0,21%), lên 1.312,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 4,6 USD (+0,35%), lên 1.317,8 USD/ounce.

Giá dầu thô hồi phục trở lại nhờ sự hỗ trợ của đồng USD giảm và thông tin Venezuela cho biết, các nước OPEC và ngoài OPEC đã tiến tới gần một thỏa thuận đóng băng sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào cuối tháng này. Ngoài ra, xung đột tại Lybira cũng có khả năng làm gián đoạn xuất khẩu dầu của quốc gia này, cũng là thông tin hỗ trợ cho giá dầu thô. Tuy nhiên, nỗi lo dư cung vẫn còn dai dẳng khiến giá dầu thô không thể tăng mạnh.

Trong khi đó, theo số liệu vừa công bố, số lượng gian khoan của Mỹ tuần trước tăng 2 giàn sau tuần giảm trước đó, lên 416 giàn. Đây là tuần tăng thứ 11 trong 12 tuần vừa qua của số lượng giàn khoan tại Mỹ.

Kết thúc phiên 19/9, giá dầu thô Mỹ tăng 0,33 USD/thùng (+0,75%), lên 43,91 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,74 USD (+1,56%), lên 46,59 USD/thùng.

Tin bài liên quan