Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Cổ phiếu ngân hàng kéo chứng khoán tăng mạnh, giá vàng tiếp tục giảm

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng vừa công bố không tiêu cực như dự đoán, giúp chứng khoán hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần. Trong khi đó, sức mạnh của đồng USD khiến giá vàng giảm tuần thứ 3 liên tiếp.

Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng vừa công bố trong ngày thứ Sáu tuần trước không tiêu cực như dự đoán, giúp phố Wall tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng đã bị hãm lại về cuối phiên do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, bài phát biểu của bà Janet Yellen, Chủ tịch Fed trong một cuộc họp với các nhà làm chính sách và các nhà nghiên cứu rằng, tiềm năng của nền kinh tế đã vượt kỳ vọng và cần có các bước cần thiết để xây dựng lại, cũng khiến nhà đầu tư thận trọng hơn. Khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 đang ở mức khá cao, 67%.

Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Dow Jones tăng 39,44 điểm (+0,22%), lên 18.138,38 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,43 điểm (+0,02%), lên 2.132,98 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,83 điểm (+0,02%), lên 5.214,16 điểm.

Dù phục hồi trong phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán Mỹ vẫn không tránh khỏi tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp khi bước vào tháng 10. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones giảm 0,56%, chỉ số S&P 500 giảm 0,96% và chỉ số Nasdaq giảm 1,48%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng tăng trong phiên cuối tuần, thậm chí với sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu có phiên tăng mạnh.

Kết thúc phiên 14/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 35,81 điểm (+0,51%), lên 7.013,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 166,31 (+1,60%), lên 10.580,38 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 65,75 điểm (+1,49%), lên 4.470,92 điểm.

Trái ngược với chứng khoán Mỹ, phiên phục hồi mạnh cuối tuần đã giúp chứng khoán châu Âu tăng trở lại sau 2 tuần giảm liên tiếp, ngoại trừ chứng khoán Anh điều chỉnh sau tuần tăng mạnh trước đó. Cụ thể, tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 0,44%, trong khi chỉ số DAX tăng 0,85% và chỉ số CAC 40 tăng 0,47%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua nhờ thông tin tích cực từ chỉ số bán lẻ khả quan, bù đắp cho những lo ngại về dữ liệu thương mại đáng thất vọng của Trung Quốc và sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ phiên trước đó. Chứng khoán Hồng Kông cũng hồi phục mạnh trở lại trong phiên cuối tuần qua khi giá sản xuất của Trung Quốc bất ngờ tăng lần đầu tiên trong gần 5 năm qua.     

Kết thúc phiên 14/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 82,13 điểm (+0,49%), lên 16.856,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 202,01 điểm (+0,88%), lên 23.233,31 điểm. Chứng khoán Trung Quốc tăng 2,39 (+0,08%), lên 3.063,73 điểm.

Dù cũng chịu nhiều áp lực từ thông tin bên kia bờ Thái Bình Dương, nhưng nhờ đồng yên giảm khá mạnh, nên chứng khoán Nhật Bản gần như không thay đổi trong tuần qua, trong khi chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục trái chiều. Trong đó, chứng khoán Hồng Kông đã trả lại hết cả vốn lẫn lời đã có được trong tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 9 trong tuần trước đó, trong khi chứng khoan Trung Quốc tăng tốt trong tuần đầu giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm nhẹ 0,02% sau khi tăng 2,49% tuần trước, còn chỉ số Hang Seng giảm 2,59% sau khi tăng 2,38% trong tuần trước, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,94%.

Trong phiên cuối tuần qua, giá vàng đã có phiên giao dịch đầy biến động. Có thời điểm, giá vàng đã xuống sát ngưỡng 1.246 USD/ounce do sức mạnh của đồng USD, sau đó lại bật trở lại khá tốt với bước nhảy hơn 10 USD/ounce. Tuy nhiên, sau đó đã quay đầu giảm trở lại do không thể chiến thắng được sức mạnh của đồng USD.             

Kết thúc phiên 14/10, giá vàng giao ngay giảm 7,3 USD (-0,58%), xuống 1.250,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,9 USD (-0,31%), xuống 1.251,6 USD/ounce.

Với việc đồng USD tăng mạnh trong tuần qua, giá vàng đã có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, dù mức giảm thấp hơn nhiều so với tuần trước đó. Cụ thể, giá vàng giao ngay và giá vàng giao tháng 12 cùng giảm 0,56%.

Dù đang chịu sức ép lớn của đồng USD và có 3 tuần giảm liên tiếp, nhưng các nhà phân tích và đầu tư vẫn đặt cược vào sự phục hồi của giá vàng trong tuần này. Cụ thể, trong cuộc thăm dò của Kitco, trong 17 nhà phân tích và môi giới trả lời, có tới 9 người, chiếm tới 53%  cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn so với con số 78% của tuần trước, trong khi có 4 người, chiếm 24% dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 4 người, 24% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Tương tự, trong số 853 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, có 464 người, chiếm 54% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn so với 57% của tuần trước, trong khi có 239 người, chiếm 28% dự báo giảm và số người dự báo giá vàng đi ngang hoặc có quan điểm trung lập là 150 người, chiếm 18%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô giảm nhẹ trong phiên cuối tuần qua khi số lượng giàn khoan của Mỹ gia tăng, cùng đà tăng của đồng USD bù đắp cho thông tin về các nhà sản xuất lớn trong và ngoài OPEC đang bàn về kế hoạch cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 14/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,09 USD/thùng (-0,18%), xuống 50,35 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,08 USD (-0,15%), xuống 51,95 USD/thùng.

Trái ngược với chứng khoán và giá vàng, dù không còn duy trì đà tăng mạnh như trước, nhưng giá dầu thô thế giới cũng có tuần tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 1,08%, giá dầu thô Brent tăng nhẹ 0,04%.

Tin bài liên quan