Cổ phiếu Nga tăng giá: Coi chừng!

Cổ phiếu Nga tăng giá: Coi chừng!

(ĐTCK) Một ngày sau khi các cường quốc phương Tây công bố các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất dành cho Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, bao gồm những hạn chế khắt khe đối với sự tham gia của các ngân hàng Nga vào thị trường vốn châu Âu, các nhà đầu tư chỉ phản ứng bằng… một cái nhún vai.

Micex, một chỉ số chứng khoán có cơ sở là 50 công ty Nga được giao dịch nhiều nhất, đã đóng cửa tăng 0,9%. Cùng với đó, đồng rouble cũng tăng trở lại so với đồng USD lần đầu tiên trong vòng 5 ngày. Động thái tăng bất thường này có lẽ được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư đang vội vã đóng trạng thái bán khống của họ, một nhà phân tích nhận định.

Tuy vậy, theo giới phân tích, với sự phụ thuộc của các ngân hàng Nga vào các nguồn tài trợ phương Tây, đợt tăng giá cổ phiếu hôm thứ Tư có thể chỉ là khoảng lặng trước cơn bão.

“Các ngân hàng Nga đã vay mượn từ Phương Tây để tài trợ cho sự tăng trưởng ở quê nhà. Nhưng giờ các thị trường trái phiếu châu Âu đã ngắt kết nối với họ và việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn nhiều”, Charles Robertson, kinh tế trưởng của Renaissance Capital, nói. “Thị trường chứng khoán Nga đã lao dốc 10% trong vài tuần trước, nên tôi nghĩ, đây chỉ là một cú hồi thuần túy mang tính kỹ thuật”.

Các thị trường vốn châu Âu là huyết mạch tài chính quan trọng đối với các ngân hàng Nga. Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá trị phát hành trái phiếu và cổ phiếu của các ngân hàng Nga đã đạt đỉnh tương ứng 30 và 5,2 tỷ USD vào năm 2012, theo Dealogic, một nhà cung cấp dữ liệu, mặc dù những căng thẳng chính trị gần đây đã đội chi phí huy động lên khá nhiều.

Hoạt động chào bán cổ phần ngân hàng đã trở nên hoàn toàn khô cạn trong năm nay so với con số 4,7 tỷ USD của năm 2013, trong khi khối lượng trái phiếu giảm 56% còn 7,6 tỷ USD. Tình trạng này, cùng với việc cấm các ngân hàng phát hành trái phiếu dài hạn đang tạo nên “những hậu quả nghiêm trọng với sự liên quan đến các rủi ro tái cấp vốn”, lãnh đạo một ngân hàng ở London có liên quan đến nợ của Nga nhận định.

“Các biện pháp trừng phạt có thể làm đông cứng trạng thái thanh khoản của các ngân hàng Nga, dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tín dụng, tăng lãi suất và lợi nhuận suy giảm của ngành này”, Antonio Timoner-Salva, một nhà kinh tế cao cấp ở HIS, nói.

Trong tuần qua, Ngân hàng Bank of Moscow, một ngân hàng bị áp lệnh trừng phạt, đã nhận thấy chi phí đi vay của mình tăng 16%, theo Markit. Những ngân hàng bị phạt khác, như Ngân hàng Nông nghiệp Nga và VTB, cũng nhận thấy mức tăng tương tự.

Các biện pháp trừng phạt của châu Âu được công bố trong tuần này vẫn cho phép các ngân hàng Nga được phát hành nợ ngắn hạn với thời gian đáo hạn 90 ngày. Tuy nhiên, nó không thể bù đắp được cho sự thiếu hụt của các trái phiếu dài hạn mà từ trước đến nay vốn chiếm phần chủ yếu trong các giao dịch.

“Không có một nhu cầu lớn đối với các tài sản nợ ngắn hạn từ các ngân hàng Nga”, giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại London nói.

Một lựa chọn thay thế là tìm về hướng Đông.

Quỹ đầu tư trực tiếp Nga mà Nhà nước đứng đằng sau đã tạo ra một số kênh đầu tư liên kết với các đối tác không đến từ phương Tây trong vài năm gần đây, trong đó có thương vụ liên kết với Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) năm 2011 và với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Tập đoàn Đầu tư Hàn Quốc trong năm ngoái.

Nhưng trong tuần này, hai giám đốc điều hành người Nga đã từ bỏ suy nghĩ rằng, nước này có thể quay sang châu Á để kiếm tìm nguồn bù đắp cho các kênh tài chính phương Tây. “Ai đang đổi hướng? Không ai cả”, giám đốc một công ty đầu tư nói.

Một tỷ phú trong lĩnh vực tài chính nhận xét thêm rằng, vốn từ Trung Quốc “không phải là giải pháp” cho các công ty Nga đang tìm kiếm nguồn thay thế.

Trong khi CIC cũng như các ngân hàng Trung Quốc nói họ muốn trở nên năng động hơn ở Nga, các doanh nghiệp này cũng ý thức được rủi ro nơi đây. Hu Bing, Giám đốc điều hành Quỹ Liên kết Nga -Trung, nói rằng, CIC thiết tha muốn đầu tư nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Nga, bao gồm kết cấu hạ tầng, năng lượng và nông nghiệp, nhưng cũng nói thêm rằng: “Có những vấn đề với môi trường đầu tư của Nga và nước này cần nỗ lực để giải quyết chúng”.

Mặc dù các ngân hàng và doanh nghiệp Nga đã cố gắng đa dạng hóa nguồn tài trợ của mình, nhưng các nhà đầu tư châu Á sẽ không thể bù đắp được sự thiếu hụt từ phương Tây.

“Chúng tôi đã thấy các doanh nghiệp Nga ngắt khỏi các quỹ phương Tây và chuyển sang châu Á - đây là một sự thay thế rõ ràng”, Eaimear Daly, Trưởng bộ phận phân tích thị trường của Monex Europe, một nhà cung cấp dịch vụ hối đoái, nói. “Nhưng có rất nhiều tiền đã bị cắt, nên đòi hỏi một quá trình thay thế lâu dài”.                                                 

Tin bài liên quan