Cổ phiếu Ford trượt giá thê thảm, Ford thay tướng

Cổ phiếu Ford trượt giá thê thảm, Ford thay tướng

(ĐTCK) Ngày 24/7 vừa qua, Jim Hackett, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của hãng sản xuất nội thất Steelcase, đã chính thức nhậm chức Chủ tịch kiêm CEO mới của Ford. Liệu tướng mới có thể giúp Ford lội ngược dòng sau khi cổ phiếu của hãng xe Mỹ liên tục rớt giá dưới thời cựu CEO Mark Fields?

Efraim Levy, một nhà phân tích của CFRA nhận định rằng, việc “mất ghế” của cựu CEO Mark Fields xuất phát từ sự thất vọng của các nhà đầu tư về hiệu suất của cổ phiếu Ford. Theo đó, dưới thời Mark Fields, cổ phiếu của hãng sản xuất ô tô Ford đã giảm tới 36%. Trong khi đó, cổ phiếu của GM giảm 13%, còn cổ phiếu của Tesla tăng tới 35%.

Chắc chắn rằng, ở thời điểm 3 năm trước, Ford vẫn là nhà sản xuất đứng đầu ngành công nghiệp ô tô tại Mỹ. Tuy nhiên, hãng xe này đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ thung lũng Silicon với sự ra đời của các mẫu xe tự lái và các dịch vụ chia sẻ xe.

Trong năm 2016, Mark Fields đã tiến hành cắt giảm 1.400 việc làm trên quy mô toàn cầu, nhằm mục đích giảm chi phí hoạt động và gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, giá trị cổ phiếu của Ford cũng không vì thế khởi sắc trở lại.

Mary Barra, người trở thành CEO của GM khoảng 6 tháng trước khi Fields lên nắm quyền tương đương ở Ford, đã thực hiện được những bước tiến quan trọng như: hợp tác với Lyft, đẩy doanh số của GM tại châu Âu, Ấn Độ, Nam Phi. Cổ phiếu của GM trị giá khoảng 33 USD/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của Ford chỉ dưới 11 USD/cổ phiếu. Còn Tesla hiện tại đã bỏ xa cả GM và Ford khi đang đưa các mẫu xe điện và xe tự lái bản thương mại ra thị trường.

Trong năm 2017, cổ phiếu Ford đã giảm hơn 9%. Trong khi đó, cổ phiếu của GM giảm 6%, còn Tesla tăng hơn 44%. Giá trị vốn hóa của Công ty cũng tụt dốc, bị GM và Tesla bỏ xa. Những nỗ lực của Mark Fields đã không đủ để giữ ông ngồi lại lâu hơn ở vị trí “ghế nóng” của Ford.

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết: “Mặc dù thời điểm này đã quá trễ để cải thiện doanh thu của Ford, nhưng chúng tôi nghĩ rằng vẫn chưa quá muộn để Ford tái tạo chiến lược và định vị lại Công ty cho thập kỷ tiếp theo”.

Trước những thách thức hiện tại mà Ford phải đối mặt, Jim Hackett được cho rằng là người phù hợp nhất với vị trí CEO, vì ông đã từng nổi bật với thành tích đưa Steelcase vượt qua nhiều cuộc suy thoái và tạo ra những thay đổi lớn trong ngành. Ngoài ra, Hackett cũng có mạng lưới quan hệ rộng trong ngành công nghệ, điều được cho là có ích đối với các dự án trong tương lai của Ford.

“Ông ấy là người có tầm nhìn. Nhưng không chỉ là người hướng về tương lai, mà ông còn là một nhà điều hành hoạt động rất giỏi”, William C. Ford Jr., Chủ tịch Hội đồng quản trị Ford, nhận xét.

Trước khi được bổ nhiệm làm CEO, Jim Hackett là Giám đốc mảng xe tự lái của Ford, hay còn được biết đến với tên gọi Smart Mobility. Công ty con này có trụ sở chính tại Palo Alto, Thung lũng Silicon. Được thành lập vào năm 2016, Smart Mobility có mục tiêu là phát triển công nghệ xe tự lái và di động.

Như vậy, việc chọn Jim Hackett làm người dẫn dắt Ford trong thời gian tới cho thấy hãng xe Mỹ đang hòa mình vào xu thế phát triển công nghệ cao. Ban lãnh đạo Ford cũng đã hứa hẹn sẽ thực hiện những sự thay đổi lớn. Trong đó, CEO Hackett cho biết sẽ tập trung vào ba ưu tiên:

Một là, tăng cường xúc tiến các hoạt động kinh doanh trên toàn cầu trong khi giải quyết triệt để các hoạt động kém hiệu quả.

Hai là, hiện đại hóa hoạt động kinh doanh nhờ việc sử dụng các công cụ, kỹ thuật mới để cải thiện tốc độ ra quyết định và nâng cao hiệu quả. Việc này bao gồm tăng cường áp dụng trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ in 3D…

Và ba là, chuyển đổi công ty để đáp ứng những thách thức trong tương lai, đảm bảo công ty có một văn hóa phù hợp, quy trình chiến lược đúng đắn và sự linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và nhu cầu của xã hội theo thời gian.

Tin bài liên quan