Trong phiên giao dịch ngày 5/2, các thị trường chứng khoán châu Á theo đà lao dốc. Theo các chuyên gia chứng khoán, diễn biến này xuất phát từ việc phố Wall đã có phiên giao dịch ngày thứ Sáu tuần trước (2/2/2018) được đánh giá là tồi tệ nhất trong 2 năm qua.
Theo đó, chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong giảm 2,7%, trong khi chỉ số Hang Seng China Enterprises, bao gồm các cổ phiếu vốn hóa lớn của Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong, giảm khoảng 3,1%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017.
Trong khi đó, chỉ số Topix của Nhật Bản giảm 2,2%, chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh nhất trong 14 tháng qua. Chỉ số Kospi Composite của Hàn Quốc giảm 1,3% và chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 1,6%.
Diễn biến này xuất phát từ việc chỉ số S&P 500 giảm 2,1% trong phiên thứ Sáu tuần trước, mức giảm mạnh nhất trong 1 ngày trong 2 năm qua.
Cùng chung trạng thái đi xuống, các chỉ số chính tại những thị trường châu Âu được dự báo sẽ giảm ngay sau khi mở cửa. Theo thông tin từ các nhà môi giới, nhiều lệnh đặt bán ngay khi mở cửa đã được đưa ra. London Capital cho biết, chỉ số FTSE 100 (Anh) có thể giảm thêm 1,1%, chỉ số Xetra Dax 30 (Đức) giảm 1,2%. Đà giảm này nối tiếp mức đi xuống lần lượt 0,6% và 1,3% trong phiên thứ Sáu tuần trước.
Hiện tại, chỉ số FTSE 100 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua, đánh dấu tuần giảm thứ 5 liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng. Trong khi đó, chỉ số DAX của Đức đang ở mức thấp nhất trong 19 tuần qua, với 6 tuần giảm liên tiếp.
Các nhà kinh tế học nhận đinh, đà bán tháo này xuất phát từ mối lo ngại lạm phát tại Mỹ đang tăng nhanh hơn dự báo, trong bối cảnh Mỹ công bố số liệu việc làm vào ngày thứ Sáu tuần trước với mức lương tăng mạnh.
Thị trường việc làm vững vàng hơn, cùng với việc nền kinh tế hồi phục sẽ tạo điều kiện để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có các hành động thắt chặt tiền tệ mạnh hơn nữa, vượt ra khỏi dự báo của thị trường.
Đà bán tháo này xuất phát từ mối lo ngại lạm phát tại Mỹ đang tăng nhanh hơn dự báo.
“Các thành viên thị trường gần đây tập trung vào các chính sách của Fed và việc lãi suất trái phiếu tăng, bởi vậy, các phản ứng tiêu cực trước số liệu tiền lương là không đáng ngạc nhiên”, Richard Jerram, nhà kinh tế trưởng tại Bank of Singapore cho biết.
Đà bán tháo tại châu Á diễn ra sau khi các quỹ đầu tư trên toàn cầu đã không ngần ngại rót tiền vào thị trường này, với nhận định đây là một trong những ngôi sao sáng đối với hoạt động đầu tư. Trong tuần cuối cùng của tháng 1/2018, các nhà đầu tư đã đổ 7,9 tỷ USD vào châu Á và các quỹ đầu tư tập trung vào thị trường mới nổi, đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Trong bối cảnh này, Mohammed Apabhai, người đứng đầu bộ phận chiến lược giao dịch thị trường châu Á – Thái Bình Dương của Citigroup nhận định: “Trong tuần này, thị trường sẽ có những diễn biến khá gập ghềnh. Theo tôi, nhà đầu tư không nên quá chú tâm tới các tin tức xuất hiện trên mặt báo. Thay vào đó, nên tập trung vào các yếu tố cơ bản, vào giá trị cũng như vị trí của các cổ phiếu đang nắm giữ”.