Phố Wall điều chỉnh trở lại do lo ngại Fed tăng lãi suất và những thay đổi chính sách sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11 tới

Phố Wall điều chỉnh trở lại do lo ngại Fed tăng lãi suất và những thay đổi chính sách sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11 tới

Chứng khoán, vàng và dầu thô đồng loạt giảm mạnh

(ĐTCK) Sau khi hồi phục trong phiên đầu tuần, cả chứng khoán, dầu thô và giá vàng đều đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Ba do nhiều mối lo ập đến.

Lo lắng sẽ có những thay đổi sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào tháng 11, cổ phiếu của nhà sản xuất nhôm Alcoa giảm tới 11,4%, trong khi nhà sản xuất ông nghiệm chuẩn đoán Illumina giảm tới 24,8%.

Ngoài ra, khả năng về việc Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay khiến đồng USD lên mức cao nhất 8 tháng, góp phần đẩy phố Wall đảo chiều giảm mạnh trong phiên thứ Ba.

Giới đầu tư đang chờ đợi biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed dự kiến sẽ được công bố vào ngày thứ Tư. Tuy nhiên, với các dữ liệu sản xuất, dịch vụ và việc làm khả quan vừa công bố, theo công cụ khảo sát, có đến 70% Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.

Giá dầu thô cũng điều chỉnh giảm hơn 1% trong phiên thứ Ba sau khi leo lên mức cao nhất hơn 1 năm trong phiên đầu tuần cũng ảnh hưởng tiêu cực tới phố Wall.

Với những thông tin trên, chỉ số VIX đo lường sự sợ hải của phố Wall tăng tới 24%, trước khi hạ nhiệt dần và đóng cửa tăng 15%.

Giới đầu tư cũng thận trọng để chờ đợi kết quả kinh doanh của Wells Fargo và Citigroup vào thứ Sáu tới.

Kết thúc phiên 11/10, chỉ số Dow Jones giảm 200,38 điểm (-1,09%), xuống 18.128,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 26,93 điểm (-1,24%), xuống 2.136,73 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 81,89 điểm (-1,54%), xuống 5.246,79 điểm.

Cổ phiếu hàng hóa và năng lượng giảm mạnh do ảnh hưởng từ sự lao dốc của cổ phiếu Alcoa, cũng như sự đảo chiều của giá dầu cũng khiến chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên thứ Ba. Trong đó, nhờ việc đồng bảng Anh giảm mạnh, nên đà giảm của chỉ số FTSE 100 ít hơn các chỉ số khác trong khu vực.

Kết thúc phiên 11/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 26,62 điểm (-0,38%), xuống 7.070,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 46,92 (-0,44%), xuống 10.577,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 25,52 điểm (-0,57%), xuống 4.471,74 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Á, việc đồng yên tiếp tục giảm giúp chứng khoán Nhật Bản tăng trở lại ngay khi mở cửa tuần sau 1 phiên nghỉ đầu tuần, lên mức cao nhất 5 tuần. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng duy trì đà tăng phiên thứ 2 liên tiếp sau khi giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ kéo dài. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đảo chiều giảm khá mạnh khi giới đầu tư chốt lời sau chuỗi tăng ấn tượng tuần trước.

Kết thúc phiên 11/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 164,67 điểm (+0,98%), lên 17.024,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 302,30 điểm (-1,27%), xuống 23.549,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 17,11 điểm (+0,56%), lên 3.065,25 điểm.

Với khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay lên cao, khiến đồng USD lên mức cao nhất 8 tháng đã khiến vàng quay đầu giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba sau khi hồi phục nhẹ phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 11/10, giá vàng giao ngay giảm 7 USD (-0,56%), xuống 1.252,40 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 4,5 USD (-0,36%), xuống 1.255,9 USD/ounce.

Trên thị trường năng lượng, sau khi lên mức cao nhất 1 năm trong phiên đầu tuần nhờ thông tin OPEC và Nga đã tìm được tiếng nói chung về việc giảm sản lượng, giá dầu thô đã điều chỉnh trở lại trong phiên thứ Ba.

Theo giới Cơ quan Năng lượng quốc tế, dù OPEC và Nga giảm sản lượng, nhưng cũng phải cần thời gian dài để cung và cầu có thể cân bằng. Thông tin này đã nhanh chóng ảnh hưởng tiêu cực tới giá dầu. Ngoài ra, việc đồng USD lên mức cao nhất 8 tháng cũng gây sức ép lên các loại hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô.

Kết thúc phiên 11/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,56 USD/thùng (-1,10%), xuống 50,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,73 USD (-1,39%), xuống 52,41 USD/thùng.

Tin bài liên quan