Giới đầu tư phố Wall luôn nhảy cảm với các quyết định của FED - Ảnh: Reuters

Giới đầu tư phố Wall luôn nhảy cảm với các quyết định của FED - Ảnh: Reuters

Chứng khoán, vàng thi nhau giảm sau tuyên bố của FED

(ĐTCK) Sau khi FED tuyên bố chấm dứt chương trình mua trái phiếu (hay còn gọi là gói QE3), lực bán tháo đã xảy ra trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu và vàng.

Đúng như dự đoán, FED đã tuyên bố chấm dứt gói QE3, chương trình kích thích kinh tế có giá trị lớn nhất lên tới 85 tỷ USD/tháng, sau đó được cắt giảm dần trong năm nay và sứ mệnh của nó hoàn toàn chấp dứt sau hơn 2 năm.

FED đưa ra quyết định trên do cơ quan này tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất chấp sự suy giảm ở một số lĩnh vực và ở một số nền kinh tế, đặc biệt là kinh tế châu Âu, gây lo ngại về đợt suy thoái mới của kinh tế toàn cầu. FED cho biết, nỗi lo thất nghiệp đang dần dần giảm bới.

Dù dự đoán FED sẽ chấm dứt gói QE3 vào cuối tháng 10 và cũng đã nằm trong kế hoạch đưa ra của cơ quan hoạch định chính sách quyền lực này, nhưng giới đầu tư vẫn cố níu kéo chút kỳ vọng FED sẽ cố kéo dài thêm thời gian nữa, nhất là một số lĩnh vực của Mỹ chưa được cải thiện, cùng lo lắng về kinh tế châu Âu. Vì vậy, ngay khi FED tuyên bố kết thúc sứ mệnh gói QE3 như kế hoạch, lực bán tháo đã diễn ra trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu và thị trường.

Trên thị trường cổ phiếu, phố Wall dù mở cửa trong sắc xanh, nhưng sau tuyên bố của FED đã quay đầu giảm mạnh trước khi hồi trở lại cuối phiên, hãm bớt đà giảm vào cuối phiên nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp được công bố.

Theo dữ liệu của Thomson Reuters, trong số 245 công ty của chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III, có tới 73,5% vượt kỳ vọng, cao hơn nhiều so với mức trung bình 4 quý gần nhất là 67%.

Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Dow Jones giảm 31,44 điểm (-0,18%), xuống 16.974,31 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,75 điểm (-0,14%), xuống 1.982,30 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 15,07 điểm (-0,33%), xuống 4.549,22 điểm.

Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu, lực bán tháo cũng diễn ra mạnh khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh nhất 3 năm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu kết thúc sớm hơn, nên tác động từ thông tin của FED chỉ khiến đà tăng của các chỉ số chính bị hãm bớt, chứ không khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm như chứng khoán Mỹ.

Cũng giống phố Wall, chứng khoán châu Âu đang được nâng đỡ bởi kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp. Theo dữ liệu của Thomson Reuters, khoảng 1/3 các công ty niêm yết trên STOXX Europe 600 công bố kết quả kinh doanh đến nay, có 67% có lợi nhuận vượt dự báo.

Kết thúc phiên 29/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 51,70 điểm (+0,81%), lên 6.453,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,62 điểm (+0,16%), lên 9.082,81 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 2,03 điểm (-0,05%), xuống 4.110,64 điểm.

Chứng khoán châu Á tiếp tục tăng điểm mạnh, trong đó chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao 3 tuần do giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ giữ lãi suất thấp thêm thời gian nữa. Trong khi đó, thông tin đưa ra từ Reuters rằng quỹ hưu trí công cộng trị giá 1,1 tỷ USD của Nhật Bản cũng sẽ trở lại với thị trường cổ phiếu từ thị trường trái phiếu cũng giúp giới đầu tư hưng phấn, qua đó giúp chỉ số Nikkei 225 tăng mạnh. Chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng duy trì được đà tăng tốt trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 29/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 224 điểm (+1,46%), lên 15.553,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 299,51 điểm (+1,27%), lên 23.819,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 35,16 điểm (+1,50), lên 2.373,03 điểm.

Sau tuyên bố của FED, vàng chịu tác động kép nên lao mạnh hơn chứng khoán. Với việc FED không bơm tiền ra, thông qua việc chấm dứt gói QE3, khiến dòng tiền nóng trên thị trường vàng bị sụt giảm, buộc giới đầu tư phải bán ra. Trong khi đó, quyết định trên cũng khiến đồng USD tăng mạnh và cũng tác động trở lại với những hàng hóa được định giá vàng đồng bạc xanh này, trong đó có vàng.

Kết thúc phiên 29/10, giá vàng giao ngay giảm 16,20 USD (-1,32%), xuống 1.211,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 4,5 USD (-0,37%), xuống 1.224,9 USD/ounce. Tuy nhiên, ngay khi bước vào phiên ngày mới, giá vàng giao tương lai đã giảm mạnh thêm 12,5 USD (-1,02%), xuống 1.212,4 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu lại ngược chiều khi tiếp tục có phiên hồi mạnh thứ 2 liên tiếp, lên mức cao 2 tuần.

Kết thúc phiên 29/10, giá dầu thô trên thị trường Mỹ tăng 0,78 USD (+0,95%), lên 82,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,09 USD (+1,25%), lên 87,12 USD/thùng.

Tin bài liên quan