Chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh suốt 3 tuần qua. Ảnh: Russianews

Chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh suốt 3 tuần qua. Ảnh: Russianews

Chứng khoán Trung Quốc với những niềm tin kỳ quái

Ngày 15/6, giới phân tích tại Trung Quốc đã dự báo đây là ngày tăng điểm mạnh của chứng khoán, với lý do là sinh nhật Chủ tịch nước này - Tập Cận Bình. Nhưng hôm đó, Shanghai Composite Index đã mất hơn 2%. Một nhà đầu tư đã tự tử khi tài sản bị quét sạch chỉ bởi một mã cổ phiếu ông đã vay mượn rất mạnh tay để mua.

Từ thời điểm đó, cả thế giới phải hướng mắt nhìn khi thị trường đã giảm hơn 30% và được dự báo còn tiếp tục lao dốc.

Ở nhiều quốc gia, chẳng ai cho rằng có mối liên hệ giữa sinh nhật lãnh đạo và thị trường. Còn tại Trung Quốc, việc này phản ánh quan niệm rằng giới lãnh đạo nước này có thể tạo ra bất kỳ tác động kinh tế nào mà họ muốn. Hiện tại, niềm tin vào khả năng điều hành và kiểm soát nền kinh tế của Trung Quốc đã suy giảm. Nếu niềm tin này sụp đổ, tác động trên toàn cầu có thể còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Khi kinh tế Trung Quốc chậm lại sau khủng hoảng tài chính 2008, Bắc Kinh bắt đầu bơm lượng thanh khoản lớn vào hệ thống. Đầu tiên, số tiền này đi vào thị trường bất động sản, sau đó vào các sản phẩm tài chính liên quan đến nợ trong hệ thống ngân hàng ngầm. Nhưng khi thị trường bất động sản sụp đổ và các ngân hàng ngầm bắt đầu bộc lộ rủi ro, Trung Quốc chỉ còn một thị trường lớn để đổ tiền - đó là chứng khoán.

Chuyển hướng 20.000 tỷ USD tiền gửi sang thị trường chứng khoán là nỗ lực cuối cùng của nước này để hồi sinh nền kinh tế. Đây được kỳ vọng là kênh huy động vốn mới cho các công ty đang ngập trong vay nợ. Mục tiêu là tạo đà tăng ổn định cho thị trường chứng khoán. Nhưng sau đó, chứng khoán nước này đã phình to một cách nhanh chóng.

Wall Street Journal cho rằng có 4 dấu hiệu cho thấy bong bóng đã xuất hiện. Đó là giá cổ phiếu không liên quan đến các yếu tố kinh tế nền tảng, sự phổ biến của giao dịch ký quỹ (mua cổ phiếu bằng tiền đi vay), nhà đầu tư cá nhân giao dịch quá mạnh và giá cổ phiếu quá cao. Chứng khoán Trung Quốc đang ở điểm cực đại cả 4 thước đo này. Và đây là điều rất hiếm.

Trung Quốc hiện có khoảng 90 triệu nhà đầu tư cá nhân. Hai phần ba trong số nhà đầu tư mới không có bằng phổ thông. Tại các làng quê, nông dân cũng tham gia chứng khoán. Một số còn dành thời gian giao dịch nhiều hơn làm việc ngoài đồng.

Dấu hiệu giao dịch quá đà cũng rất rõ ràng. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán nước này chỉ bằng gần một nửa Mỹ, nhưng khối lượng giao dịch những ngày gần đây còn vượt cả thế giới cộng lại. Lượng giao dịch đã tăng gấp 10 năm 2007. Những hoạt động như vậy đã đẩy giá trị các công ty lên, hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận năm ngoái (P/E) của các công ty trong chỉ số CSI 500 là 50. Chỉ số này với Chinext cũng vào khoảng 110.

Từ khi đạt đỉnh ngày 12/6, gần 3.000 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường, bất chấp hàng loạt biện pháp cứu vãn của Bắc Kinh. Giới chức nước này đã giảm lãi suất, hạ chi phí giao dịch, sử dụng các quỹ đầu tư quốc gia để mua cổ phiếu.

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã phải ra lệnh ngừng các vụ IPO mới, đột ngột cắt nguồn huy động vốn của các doanh nghiệp mà chính họ đã cố gắng tạo ra. Chi phí đi vay hiện tại của các doanh nghiệp khá cao. Bất kỳ động thái giảm lãi suất nào cũng có thể châm ngòi cho dòng vốn rút ra. Năm nay, nhà đầu tư đã rút hơn 300 tỷ USD khỏi Trung Quốc.

Cuộc khủng hoàng này vẫn đang được theo sát, cả trong nước và trên thế giới. Đây được coi là bài kiểm tra khả năng kiểm soát của Trung Quốc lên nền kinh tế. Mọi người tin rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không rơi xuống dưới 7% năm nay, vì đó là mục tiêu Chính phủ nước này đặt ra và Bắc Kinh có thể làm mọi việc.

Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh không thể ngăn đà lao dốc của chứng khoán, thị trường có thể thay đổi đột ngột quan điểm về sức sụt giảm của tăng trưởng kinh tế. Nếu Trung Quốc rơi vào vòng xoáy suy giảm, hậu quả sẽ còn lớn hơn nhiều so với Hy Lạp.

"Cả thế giới đã có vài năm để chuẩn bị cho kịch bản Hy Lạp rời eurozone. Nhưng việc nền kinh tế lớn nhì toàn cầu đột ngột tụt dốc sẽ là một thảm họa. Nó có thể giết chết đà phục hồi yếu ớt của Nhật Bản, đẩy Australia vào cuộc suy thoái đầu tiên trong một phần tư thập kỷ và gây sóng gió cho Hàn Quốc, Indonesia, Ấn Độ cùng nhiều quốc gia xuất khẩu khác", William Pesek tại Bloomberg nhận xét.

Trung Quốc hiện là nền kinh tế đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu thập kỷ này. Trong khi Hy Lạp chỉ có quy mô nhỏ như Bangladesh. Trên Australian Financial Review, Paul Moore – một giám đốc quản lý quỹ cũng cho biết mối lo từ Trung Quốc lớn hơn nhiều. "Nhìn quy mô Hy Lạp mà xem, đó chỉ là một đốm nhỏ. Còn Trung Quốc thì không", ông nói.

Tin bài liên quan