Chứng khoán trái chiều, giá vàng và dầu thô hồi nhẹ

Chứng khoán trái chiều, giá vàng và dầu thô hồi nhẹ

(ĐTCK) Khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 3 đang cao dần, ảnh hưởng trái chiều tới các nhóm cổ phiếu, trong khi đồng USD bất ngờ giảm trong phiên cuối tuần trước, hỗ trợ cho giá vàng và dầu thô phục hồi.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu (3/3), bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, cơ quan này sẽ xem xét tăng lãi suất khi tỷ lệ lạm phát và việc làm đạt mức kỳ vọng mục tiêu.

Phát biều này của bà Yellen khiến giới đầu tư đặt cược gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 14 và 15 tới đây, bởi tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 1 vừa công bố đã ở mức 1,9%, gần đạt mức mục tiêu 2% của Fed, trong khi thị trường lao động liên tiếp được cải thiện trong những tháng gần đây.

Việc khả năng Fed tăng lãi suất đã giúp nhóm cổ phiếu tài chính được hưởng lợi và tăng giá, hỗ trợ phố Wall phục hồi trở lại sau phiên giảm trước đó. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại mạnh do nhóm cổ phiếu bất động sản giảm, bởi tăng lãi suất không có lợi cho nhóm ngành này.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Dow Jones tăng 2,74 điểm (+0,01%), lên 21.005,71 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,20 điểm (+0,05%), lên 2.383,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 9,53 điểm (+0,16%), lên 5.870,75 điểm.

Dù có một vài phiên điều chỉnh trong tuần qua, nhưng phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 4 liên tiếp của cả 3 chỉ số chính, trong đó chỉ số Dow Jones tăng 0,88%, chỉ số S&P 500 tăng 0,67% và chỉ số Nasdaq tăng 0,44%. Trong tuần qua cũng chứng kiến lần đầu tiên chỉ số Dow Jones vượt mốc 21.000 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu lại đào chiều giảm nhẹ trong phiên giao dịch cuối tuần qua do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 9,09 điểm (-0,11%), xuống 7.374,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 32,21 điểm (-0,27%), xuống 12.027,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 31,33 điểm (+0,63%), lên 4.995,13 điểm.

Dù điều chỉnh nhẹ 2 phiên cuối tuần, nhưng chứng khoán châu Âu đã phục hồi tăng mạnh trở lại trong tuần qua và đây cũng là tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2017. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,80%, chỉ số DAX tăng 1,89% và chỉ số CAC 40 tăng tới 3,09%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sắc đỏ bao phủ hầu hết các thị trường chính trong khu vực trong phiên cuối tuần. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản điều chỉnh do áp lực chốt lời sau khi lên mức cao nhất 14 tháng trong phiên thứ Năm. Ngoài ra, giới đầu tư thận trọng chờ đợi bài phát biều của bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau đó ít giờ đồng hồ cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.

Lo ngại về khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào giữa tháng này, qua đó khiến chi phí lãi vay cao hơn, cũng thúc đẩy giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông bán mạnh, đẩy chỉ số Hang Seng tiếp tục có phiên giảm điểm.

Bên cạnh đó, thận trong trước cuộc họp Quốc hội của Trung Quốc cũng khiến thị trường giảm điểm trong phiên cuối tuần qua. Đây cũng là lý do khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 3/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 95,63 điểm (-0,49%), xuống 19.469,17 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 175,35 điểm (-0,74%), xuống 23.552,72 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 10,84 điểm (-0,34%), xuống 3.219,19 điểm.

Dù điều chỉnh trong phiê cuối tuần, nhưng với 2 phiên tăng tốt liên tiếp trước đó, chứng khoán Nhật Bản duy trì tuần tăng thứ 2 liên tiếp, trong khi chứng khoán Hồng Kông lại có tuần giảm thứ 2 liên tiếp và chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều sau 3 tuần tăng lên tiếp trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,96%, chỉ số Hang Seng giảm 1,72% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,04%.

Giá vàng chủ yếu lình xình trong phiên giao dịch cuối tuần trước theo hướng giảm dần do áp lực từ khả năng Fed sẽ tăng lãi suất trong phiên họp giữa tuần này. Tuy nhiên, về cuối phiên Mỹ, lực cầu bắt đáy đã giúp giá kim loại quý này phục hồi nhẹ. Ngoài ra, đồng USD giảm trở lại cuối phiên cũng góp phần hỗ trợ cho giá vàng phục hồi.

Kết thúc phiên 3/3, giá vàng giao ngay tăng 0,3 USD (+0,02%), lên 1.234,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 tăng 2,1 USD (+0,17%), lên 1.235,0 USD/ounce.

Phiên phục hồi nhẹ cuối tuần không thể bù đắp được cho những mất mát trong 3 phiên trước đó do áp lực chốt lời gia tăng khi giá vàng leo lên mức cao nhất 3 tháng rưỡi đầu tuần. Áp lực này đã khiến giá vàng chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp và trả lại hết những gì đã có trong tuần trước đó trong tuần giao dịch vừa qua. Cụ thể, tuần qua, giá vàng giao ngày giảm 1,8% và giá vàng tương lại giao tháng 4 giảm 1,83%.

Với khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng này đã khiến giới phân tích thay đổi đánh giá của mình về xu hướng của giá vàng, trong khi các nhà đầu tư vẫn giữ thái độ lạc quan.

Cụ thể, trong 21 nhà môi giới và phân tích tham trả lời trong cuộc thăm dò lần này, có 12 người dự báo giá sẽ giảm, chiếm 57%, cao hơn rất nhiều so với con số 10% của tuần trước, trong khi có 6 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 33%, thấp hơn con số 65% của tuần trước và 2 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, tương đương 10%.

Trong khi đó, trong số 984 lượt người tham gia bình chọn trực tuyến, có 566 người, chiếm 58% dự báo giá vàng sẽ tăng, dù thấp hơn con số 68% của tuần trước đó, nhưng vẫn cho thấy tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn các nhà phân tích. Ngược lại, có 264 người, chiếm 27% cho rằng giá vàng sẽ giảm, nhỉnh hơn so với con số 23% của tuần trước đó và 154 người, chiếm 16% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô cũng phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần sau phiên giảm mạnh trước đó nhờ đồng USD yếu. Tuy nhiên, đà tăng không quá mạnh khi giới đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với việc Nga không cắt giảm sản lượng trong tháng 2 như thỏa thuận với OPEC.

Kết thúc phiên 3/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,72 USD/thùng (+1,35%), lên 53,33 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,82 USD (+1,47%), lên 55,90 USD/thùng.

Dù điều chỉnh tăng trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô đã không thể có được tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp khi giảm lần lượt 1,22% và 0,16% trong tuần qua.

Tin bài liên quan