Chứng khoán toàn cầu có triển vọng trong ngắn hạn

Chứng khoán toàn cầu có triển vọng trong ngắn hạn

(ĐTCK) Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đã khép lại với chiến thắng lịch sử của ứng cử viên Donald Trump. Thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu đã có phiên “chảo đảo” ngay sau bất ngờ này. Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên là những diễn biến tiêu cực trên thị trường không kéo dài như dự đoán, mà nhanh chóng phản ứng tích cực trở lại.

Sau những “bấn loạn” trên TTCK Mỹ, châu Á và châu Âu chỉ diễn ra vào ngày 8/11, một ngày sau đó, chứng khoán Mỹ tăng điểm trung bình hơn 1%, trong đó chỉ số Công nghiệp Dow Jones tăng tới hơn 250 điểm lên 18.589 điểm, chỉ cách 0,25% so với mức cao kỷ lục vừa xác lập hồi tháng 8 năm nay, nhờ sự “thăng hoa” của cổ phiếu Goldman Sachs và Caterpillar. Các chỉ số S&P 500 va Nasdaq cũng tăng khá mạnh.

Thị trường từng chứng kiến một mô hình vận động tương tự sau cuộc trưng cầu dân ý tại vương quốc Anh, khi TTCK nước này sụt giảm mạnh sau kết quả cử tri lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), dù phải mất đến 2 tuần để phục hồi trở lại.

Một điểm kỳ lạ mà giới phân tích nhận ra, đây là lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua, các thị trường bất ngờ đảo chiều hoàn toàn chỉ trong một ngày mà không có sự trợ lực từ chính sách của ngân hàng trung ương. Nhà chiến lược gia tại TD Ameritrade, JJ Kinahan nhận định: “Qua một đêm bất ổn, ngày hôm nay, mọi chuyện đã trở nên rõ ràng hơn và sự tăng điểm của TTCK là một tín hiệu cho thấy, thị trường đã trở nên lạc quan hơn về những triển vọng trong ngắn hạn”.

Trong bối cảnh giới đầu tư đang đổ dồn sự chú ý vào các thành viên tiềm năng mà Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể lựa chọn cho nội các của mình,  họ cũng không quên rằng, trên nguyên tắc ông Trump đang thúc đẩy các cải cách về hệ thống thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa dòng vốn từ nước ngoài trở lại Mỹ và các chính sách có thể có lợi cho các TTCK.

Alan Gayle, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài sản tại RidgeWorth Investments cho rằng: “Thị trường đang bắt đầu tính toán những lợi thế từ triển vọng của một gói kích thích tài khóa, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, cũng như các chi tiêu cho đầu tư cơ sở hạ tầng theo như cam kết tranh cử của ông Trump. Chưa rõ chi tiết và mức độ như thế nào, song dự báo đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2017”.

Khu vực ngân hàng là một trong những lĩnh vực ghi nhận lợi ích bất ngờ nhất sau chiến thắng của ông Trump. Trước đó, TTCK gần như “đóng đinh” với kịch bản bà Hillary Clinton sẽ giành thắng lợi và nếu điều ngược lại xảy ra, làn sóng bán tháo sẽ xảy ra, vì sự bất định trong chính sách thương mại và nhập cư của ông Trump. Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngay sau khi giành chiến thắng, ông Trump khẳng định, sẽ chi tiền để xây dựng nước Mỹ. Việc chi tiêu mạnh hơn được coi là tác nhân có thể kéo lạm phát của Mỹ tăng lên.

Do kỳ vọng lạm phát tăng, chu kỳ mua sắm có thể bắt đầu, đặc biệt là thị trường hàng hóa và các tài sản có chu kỳ ngắn hạn. Dầu mỏ có thể được hưởng lợi và cơ hội đối với thị trường vàng là không thể bỏ qua. Giới phân tích cho rằng, thị trường hàng hóa và kim loại quý có thể vẫn tồn tại những bất ổn nhất định, bởi lẽ những diễn biến tích cực nhất hay tiêu cực nhất đều xảy ra dưới thời Tổng thống của Đảng Cộng hòa.

Ngoài ra, thị trường mới chỉ có những phản ứng đầu tiên về thông điệp của ông Donald Trump. Trong khi các kế hoạch tài khóa và đầu tư có thể dự đoán được, những chính sách như chăm sóc sức khỏe, thương mại quốc tế hay cải cách nhập cư, vốn sẽ có những tác động lâu dài làm thay đổi hoàn toàn thương mại thế giới, sẽ khó để diễn giải và dự đoán hơn.

Về phần mình, Ward McCarthy, nhà kinh tế trưởng tại Jefferies vẫn thận trọng cho rằng: “Rõ ràng, Donald Trump vẫn là một nhân vật khó dự đoán và thực tế đã chứng minh nhiều chính trị gia nói rất nhiều trước bầu cử, song không bao giờ thực hiện những điều đó sau chiến thắng. Ông Trump đang tiến tới giai đoạn định hình chính sách và di sản của mình. Vì vậy, thị trường cần cẩn trọng và chờ đợi những diễn biến thực tế”.                         

Tin bài liên quan