Chứng khoán toàn cầu có tháng tăng mạnh mẽ

Chứng khoán toàn cầu có tháng tăng mạnh mẽ

(ĐTCK) Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, chứng khoán đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ do lo ngại về thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, với những phiên tăng mạnh đầu tuần, các thị trường vẫn có tuần tăng tốt, cũng như có tháng 4 tăng điểm khả qua.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, phố Wall đã đảo chiều giảm trở lại sau dữ liệu kinh tế kém khả quan được công bố. Theo đó, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I/2017 chỉ là 0,7%, thấp hơn mức dự báo 1,2% của các nhà phân tích và là mức thấp nhất trong 3 năm qua do chi tiêu tiêu dùng thấp và các doanh nghiệp ít đầu tư hơn cho hàng tồn kho. Tăng trưởng GDP trong quý IV/2016 của Mỹ ở mức 2,1%.

Kết thúc phiên 28/4, chỉ số Dow Jones giảm 40,82 điểm (-0,19%), xuống 20.940,51 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,57 điểm (-0,19%), xuống 2.384,20 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 1,33 điểm (-0,02%), xuống 6.047,61 điểm.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng mạnh đầu tuần, phố Wall tiếp tục có tuần tăng điểm, trong đó Dow Jones tăng 1,91%, S&P 500 tăng 1,51% và Nasdaq tăng tốt nhất với 2,32%.

Với tuần tăng mạnh cuối tháng 4, Dow Jones và S&P 500 đã trở lại sau tháng giảm nhẹ trong tháng 3, trong khi chỉ số Nasdaq có tháng tăng thứ 6 liên tiếp và là chuỗi tăng dài nhất trong gần 4 năm. Cụ thể, trong tháng 4, Dow Jones tăng 1,34%, S&P 500 tăng 0,91% và Nasdaq tăng 2,30%.

Chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối tuần khi lo ngại về tăng trưởng thương mại toàn cầu thấp, cùng lạm phát khu vực đồng euro cao hơn dự báo, tạo nên lo ngại về khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giảm bớt liều lượng của chương trình kích thích kinh tế trong cuộc họp diễn ra vào tháng 6.

Kết thúc phiên 28/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 33,23 điểm (-0,46%), xuống 7.203,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 5,78 điểm (-0,05%), xuống 12.438,01 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 4,37 điểm (-0,08%), xuống 5.267,33 điểm.

Với hiệu ứng tích cực của kết quả cuộc bầu cử vòng 1 Tổng thống Pháp và kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp, chứng khoán châu Âu đã có tuần tăng điểm tốt sau khi giảm mạnh tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 1,26%, chỉ số DAX tăng 3,23%, chỉ số CAC 40 tăng 4,11%. Trong tháng 4, chỉ số FTSE vẫn giảm 1,62% sau 2 tháng tăng liên tiếp, nhưng chỉ số DAX có tháng tăng thứ 4 liên tiếp trong năm với mức tăng 1,02% và CAC có tháng tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 2,83%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục giảm trong phiên thứ Sáu sau nỗ lực đảo chiều bất thành do những lo lắng về bất ổn chính trị tại châu Âu. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm trở lại từ mức cao nhất 20 tháng khi dòng tiền từ Trung Quốc đại lục suy giảm.

Trong khi đó, dù tốc độ tăng trưởng sản xuất trong tháng 4 của Trung Quốc thấp hơn dự kiến, nhưng chứng khoán tại Thượng Hải vẫn giữ được sắc xanh trong phiên cuối tuần, nhưng mức tăng không đáng kể.

Kết thúc phiên 28/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 55,13 điểm (-0,29%), xuống 19.196,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 85,35 điểm (-0,34%), xuống 24.615,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,38 điểm (+0,08%), lên 3.154,57 điểm.

Dù điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng mạnh đầu tuần nhờ phản ứng tích cực với kết quả cuộc bầu cử vòng 1 Tổng thống Pháp, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có tăng tăng và Hồng Kông cũng lấy lại hết cả vốn và lãi số điểm đã mất trong tuần trước. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn chưa thể thoát khỏi đà giảm.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,09%, chỉ số Hang Seng tăng tới 6,83% sau khi giảm hơn 5% trong tuần trước đó, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,59% sau khi có tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm trước đó (giảm 2,2%).

Hai tuần hồi phục tốt cuối tháng đã giúp chỉ số Nikkei 225 hồi phục trở lại sau tháng giảm trước đó, chứng khoán Hồng Kông có tháng tăng thứ 4 liên tiếp trong năm nay, còn chứng khoán Trung Quốc đại lục có tháng giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tháng 4, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,52%, chỉ số Hang Seng tăng 2,09%, chỉ số Shanghai Composite giảm 2,11%.

Trên thị trường vàng, với việc lạm phát của khu vực đồng euro mạnh hơn dự kiến, cùng với việc đồng USD giảm đã giúp giá vàng đảo chiều tăng trở lại trong phiên cuối tuần. Tuy nhiên, điều này cũng không thể giúp cho giá kim loại quý này có tuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Kết thúc phiên 28/4, giá vàng giao ngay tăng 4,2 USD (+0,33%), lên 1.267,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 3,6 USD (+0,28%), lên 1.269,5 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tiếp tục giảm 1,26% và giá vàng giao tháng 6 cũng giảm 1,28%. Dù giảm trong 2 tuần cuối tháng, nhưng trong tháng 4, giá vàng vẫn duy trì đà tăng. Trong đó, giá vàng giao ngay tăng 1,48% và giá vàng tương lai giao tháng 6 tháng 1,77%.

Hai tuần trong tuần qua khiến giới phân tích và nhà đầu tư tiếp tục có cái nhìn thận trong hơn với diễn biến của giá vàng trong tuần tới.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp, có 23 chuyên gia thị trường trả lời, thì có tới 10 người, chiếm 43% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn so với con số 53% của tuần trước. Trong khi đó, có 7 người, chiếm 30% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 6 người, chiếm tỷ lệ 26% dự báo giá vàng sẽ đi ngang trong tuần này.

Tương tự, trong cuộc thăm dò trực tuyến, có 1.019 lượt độc giả tham gia, trong đó có 493 người, chiếm 48% dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, thấp hơn con số 59% của tuần trước, 361 lượt độc giả, chiếm 35% cho rằng giá vàng sẽ giảm và 165 người, chiếm 16% giữ quan điểm trung lập.

Giá dầu thô hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần qua sau khi giới đầu tư kỳ vọng OPEC sẽ đạt được thỏa thuận mở rộng chương trình cắt giảm sản lượng.

Kết thúc phiên 28/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,36 USD/thùng (+0,73%), lên 49,33 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,29 USD (+0,56%), lên 51,73 USD/thùng.

Dù hồi phục trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô vẫn chưa thoát khỏi đà giảm trong tuần qua khi giảm lần lượt 0,58% và 0,44% sau khi có tuần giảm mạnh 6,69% và 7,03% trong tuần trước đó. Trong tháng 4, giá dầu thô Mỹ giảm 2,51%, tháng giảm thứ 2 liên tiếp, còn giá dầu thô Brent giảm 2,08%, ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp kể từ đầu năm.

Tin bài liên quan