Phố Wall lại lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Phố Wall lại lập đỉnh cao lịch sử mới trong phiên đầu tuần - Ảnh: Reuters

Chứng khoán tiếp tục tăng tốt, vàng, dầu hạ nhiệt

(ĐTCK)Những kỳ vọng về việc các ngân hàng Trung ương tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và đưa ra các gói kích thích kinh tế giúp chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng điểm trong phiên đầu tuần. Trong khi đó, giá vàng đã hạ nhiệt do đồng USD mạnh và dầu giảm trở lại trước cuộc họp của OPEC.

Sau khi tăng khá và thiết lập kỷ lục mới trong phiên cuối tuần trước nhờ quyết định cắt giảm lãi suất của PBOC và các dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch đầu với kỳ vọng PBOC sẽ tiếp tục có những hành động tiếp theo để giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lấy lại đà tăng trưởng mạnh như thời gian qua.

Trong phiên giao dịch đầu tuần mới, ngoài kỳ vọng vào PBOC, hoạt động mua bán, sáp nhập cũng giúp phố Wall tăng trưởng, dù thanh khoản giới mức trung bình. Tuy nhiên, đà tăng của phố Wall bị hãm bớt bởi nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu giảm trở lại, cũng như thông tin nhanh về chỉ số PMI tháng 11 giảm xuống mức 56,3, thấp hơn kỳ vọng và là mức thấp nhất kể từ tháng 4 do tăng trưởng trong kinh doanh mới chậm lại.

Dù chỉ có mức tăng nhẹ, nhưng cả Dow Jones và S&P 500 đều thiết lập đỉnh cao mới, trong khi đà tăng của Nasdaq tốt hơn rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu Apple.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số Dow Jones tăng 7,84 điểm (+0,04%), lên 17.817,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,91 điểm (+0,29%), lên 2.069,41 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 41,92 điểm (+0,89%), lên 4.754,89 điểm.

Chứng khoán châu Âu có sự trái chiều. Dù có đà tăng tốt đầu phiên với dữ liệu về niềm tin kinh doanh của Đức trong tháng 11 tăng lên 104,7 từ mức 103,2 trong tháng 10, mức đầu tiên sau 6 tháng. Tuy nhiên, phát biểu của Jens Weidmann, người đứng đầu Bundesbank và cũng là 1 thành viên HĐQT của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, ECB sẽ phải đối mặt với những trở ngại pháp lý nếu đưa ra chính sách nới lỏng định lượng để kích thích kinh tế như phát biểu vừa qua của Chủ tịch Mario Draghi.

Chứng khoán châu Âu sau đó đã hạ nhiệt về cuối phiên, trong đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm xuống dưới tham chiếu, còn 2 chỉ số DAX tại Đức và CAC 40 tại Pháp vẫn giữ được sắc xanh.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 20,97 điểm (-0,31%), xuống 6.729,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 52,99 điểm (+0,54%), lên 9.785,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 21,21 điểm (+0,49%), lên 4.368,44 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch, thì chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh phiên đầu và chứng khoán Trung Quốc đại lục tiếp tục tăng mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) bất ngờ cắt giảm lãi suất sau 2 năm vào cuối tuần trước để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Kết thúc phiên 24/11, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 456,02 điểm (+1,95%), lên 23.893,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc đại lục tăng 46,09 điểm (+1,85%), lên 2.432,86 điểm. Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch.

Trên thị trường kim loại quý, giá vàng hạ nhiệt trở lại sau tuần tăng mạnh trước đó. Dù đang được hỗ trợ bởi các chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương, nhưng giá kim loại quý này vẫn chịu áp lực do đồng USD mạnh. Bên cạnh đó, theo thăm dò bán đầu, khả năng cuộc trưng cầu dân ý của Thụy Sỹ về việc Ngân hàng Trung ương nước này sẽ năm 20% tài sản là vàng khó được thông qua cũng ảnh hưởng ít nhiều tới tâm lý của giới đầu tư.

Kết thúc phiên 24/11, giá vàng giao ngay giảm 3,8 USD (-0,32%), xuống 1.198,30 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 5,8 USD (-0,48%), xuống 1.195,7 USD/ounce.

Sau khi tăng mạnh cuối tuần trước với thông tin PBOC giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại, cũng như kỳ vọng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào tuần này, giá dầu đã giảm trở lại khi bước vào tuần giao dịch mới khi giới đầu tư thận trọng trước cuộc họp của OPEC.

Kết thúc phiên 24/11, giá dầu thô trên thị trường Mỹ giảm 0,73 USD (-0,96%), xuống 75,78 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,68 USD (-0,85%), xuống 79,68 USD/thùng.

Tin bài liên quan