Nôĩ lo Brexit đang bao trùm chứng khoán toàn cầu (Ảnh:AFP)

Nôĩ lo Brexit đang bao trùm chứng khoán toàn cầu (Ảnh:AFP)

Chứng khoán tiếp tục lao dốc vì nỗi lo, giá vàng ngập ngừng đợi Fed

(ĐTCK) Nỗi lo Brexit khiến chứng khoán tiếp tục bị bán tháo và cả giá dầu thô cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, giá vàng không thể bứt phá khi giới đầu tư đang chờ đợi thông tin chính thức từ Fed.

Phố Wall có phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp khi các nhà đầu tư đang chờ đợi thông tin từ cuộc họp của Fed. Fed có cuộc họp kéo dài 2 ngày để xem xét xem liệu sức khỏe của nền kinh tế Mỹ có đủ sức để tăng lãi suất hay không.

Trong khi chờ đợi Fed, giới đầu tư lại có mối lo khác là Brexi khi tỷ lệ người Anh ủng hộ Brexit gia tăng trong cuộc thăm dò mới đây khi cuộc bỏ phiếu còn cách 10 ngày.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Dow Jones giảm 57,66 điểm (-0,33%), xuống 17.674,82 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 3,74 điểm (-0,18%), xuống 2.075,32 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 4,89 điểm (-0,10%), xuống 4.843,55 điểm.

Hiện Brexit đang là mối quan tâm lớn nhất với nhiều nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu. Trong khi đó, theo cuộc thăm dò mới nhất, số người Anh ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) ngày càng gia tăng, hiện đã lên tới 53% khiến giới đầu tư tiếp tục bán tháo, kéo chứng khoán châu Âu lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 121,44 điểm (-2,01%), xuống 5.923,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 138,24 điểm (-1,43%), xuống 9.519,20 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 96,69 điểm (-2,29%), xuống 4.130,33 điểm.

Tương tự, trên thị trường châu Á, nỗi lo Brexit vẫn bao trùm khiến các thị trường tiếp tục giảm điểm, trong đó chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 9 tuần. Chứng khoán Hồng Kông cũng cùng chung hoàn cảnh, ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc đại lục đảo chiều tăng điểm nhờ kỳ vọng được vào rổ MSCI.

Kết thúc phiên 14/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 160,18 điểm (-1,00%), xuống 15.859 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 125,46 điểm (-0,61%), xuống 20.387,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 9,12 điểm (+0,32%), lên 2.842,19 điểm.

Dù chứng khoán bị bán tháo mạnh do nỗi lo Brexit, nhưng giá vàng không thể tiếp tục bứt phá trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư tạm đứng ngoài quan sát và chờ thông tin chính thức từ cuộc họp của Fed.

Kết thúc phiên 14/6, giá vàng giao ngay tăng 1,7 USD (+0,13%), lên 1.285,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,2 USD (+0,1%), lên 1.288,1 USD/ounce.

Không chỉ trên thị trường chứng khoán, nỗi lo Brexit cũng ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường dầu thô. Một khi Brexit xảy ra, thì nhiều khả năng cuộc khủng hoảng sẽ đến và lan rộng toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu và qua đó làm giảm nhu cầu dầu mỏ. Điều này khiến giá dầu thô tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần.

Kết thúc phiên 14/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,39 USD (-0,80%), xuống 48,49 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,52 USD (-1,04%), xuống 49,83 USD/thùng.

Tin bài liên quan