Phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử mới (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán tiếp tục làm phai nhạt sự hấp dẫn của vàng

(ĐTCK) Dầu thô khởi sắc trở lại giúp phố Wall liên tiếp thiết lập đỉnh cao lịch sử, chứng khoán Âu, Á cũng duy trì sắc xanh đậm, đã làm phai nhạt sự hấp dẫn của vàng.

Phố Wall tiếp tục tăng điểm trong phiên thứ Ba khi nhà đầu tư tin tưởng kinh tế Mỹ, bất chấp có sự khởi đầu chậm chạp, nhưng vẫn giữ được sự tăng trưởng vững chắc trong năm nay. Ngoài ra, sự khởi sắc của giá dầu, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh cũng hỗ trợ cho phố Wall.

Phiên tăng điểm hôm thứ Ba không chỉ giúp S&P 500, mà còn giúp Dow Jones thiết lập mức cao lịch sử, trong khi Nasdaq cũng đã có điểm dương trong năm nay.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, tăng trưởng GDP của Mỹ đã chạm đáy trong quý I và nếu đúng là như vậy, thì thị trường chứng khoán sẽ còn tăng ít nhất 5% từ nay đến cuối năm.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số Dow Jones tăng 120,74 điểm (+0,66%), lên 18.347,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,98 điểm (+0,7%), lên 2.152,14 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 34,18 điểm (+0,69%), lên 5.022,82 điểm.

Cũng tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba, ngoại trừ chứng khoán Anh đảo chiều đáng tiếc. Chứng khoán châu Âu tăng trong phiên thứ Ba nhờ thông tin tích cực từ ngân hàng Ý UniCredit trong việc xử lý vấn đề nợ xấu, cũng như kết quả kinh doanh khả quan của các hãng xe.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,17 điểm (-0,03%), xuống 6.680,69 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 130,66 điểm (+1,33%), lên 9.964,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 66,85 điểm (+1,57%), lên 4.331,38 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau khi tăng gần 4% trong phiên đầu tuần, chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tăng gần 2,5% trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư phấn khởi trước việc đồng yên giảm giá, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản. Ngoài ra, kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ khởi động chương trình kích thích kinh tế cũng giúp tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Nhật Bản hứng khởi hơn.

Không chỉ chứng khoán Nhật Bản, chứng khoán châu Á trong phiên thứ Ba còn chứng kiến sắc xanh đậm tại nhiều thị trường khác, trong đó chứng khoán Hồng Kông tiếp tục tăng 1,65% nhờ hiệu ứng tích cực từ chứng khoán Âu, Mỹ, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục sau phiên ngập ngừng đầu tuần, cũng bứt phá hơn 1,8% trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 12/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 386,83 điểm (+2,46%), lên 16.095,65 điểm. Chỉ số Hang Seng tăng 344,24 điểm (+1,65%), lên 21.224,74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 54,46 điểm (+1,82%), lên 3.049,38 điểm.

Sắc xanh đậm của thị trường chứng khoán đã làm phai nhạt sự hấp dẫn của vàng, khiến giá kim loại quý này giảm mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 12/7, giá vàng giao ngay giảm 21,9 USD (-1,62%), xuống 1.332,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 21,3 USD (-1,57%), xuống 1.335,3 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo nhu cầu tăng, lượng dư thừa nguồn cung giảm đã giúp giá dầu thô tăng mạnh trong phiên thứ Ba. Bên cạnh đó, việc Credit Suisse nâng dự báo giá dầu thô trong năm nay lên mức 43,59 USD/thùng từ mức 36,91 USD/thùng như dự báo trước đó với dầu thô Mỹ và lên mức 44,53 USD/thùng so với mức dự báo trước là 37,77 USD/thùng với dầu thô Brent cũng hỗ trợ rất nhiều cho sự khởi sắc của giá dầu trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 12/7, giá dầu thô Mỹ tăng 2,04 USD/thùng (+4,36%), lên 46,8 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,2 USD (+4,58%), lên 48,45 USD/thùng.

Tin bài liên quan