Sự sụt giảm doanh số bán hàng tại Trung Quốc và hoài nghi về nhu cầu Iphone khiến cổ phiếu của Apple giảm mạnh 3,21%, xuống mức thấp nhất 6 tháng 114,64 USD/CP. Sự sụt giảm của bluechip này đã góp phần khiến phố Wall có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp.
Ngoài ra, nỗi lo về khả năng Fed tăng lãi suất tiếp tục ảnh hưởng không tốt tới tâm lý nhà đầu tư, cũng góp phần khiến phố Wall giảm điểm phiên thứ 3 liên tiếp.
Trả lời tờ Wall Street Journal, Chủ tịch Fed Atlanta, Dennis Lockhart cho biết, tháng 9 là thời điểm thích hợp để Fed tăng lãi suất.
Trước đó, Fed cho biết, cần phải nhìn thấy một sự phục hồi kinh tế bền vững trước khi tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ.
Dữ liệu kinh tế Mỹ vừa mới công bố không quá khả quan đã khiến một số nhà đầu tư cho rằng, Fed có thể hoãn tăng lãi cho đến tháng 12. Tuy nhiên, sau cuộc họp của Fed vào tuần trước, nhà đầu tư dự kiến thời gian tăng lãi suất sẽ là tháng 9.
Chính lo ngại này đã khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm liên tiếp trong 3 phiên giao dịch vừa qua.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Dow Jones giảm 47,51 điểm (-0,27%), xuống 17.550,69 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,7 điểm (-0,22%), xuống 2.093,32 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 9,84 điểm (-0,19%), xuống 5.105,55 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau những phiên giao dịch hứng khởi nhờ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp được công bố khả quan trước đó, chứng khoán châu Âu đã quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Ba cũng do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh quý II.
Ngân hàng Credit Agricole của Pháp, hay hãng xe BMW của Đức báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan, đặc biệt là Credit Agricole khiến cổ phiếu của ngân hàng này giảm tới 10,2%, kéo chứng khoán khu vực giảm theo.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,05 (-0,03%), xuống 6.686,57 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 12,35 điểm (+0,11%), lên 11.456,07 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 8,38 điểm (-0,16%), xuống 5.112,14 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật bản tiếp tục có phiên giảm điểm khi các cổ phiếu công nghệ có làm ăn với Apple chịu ảnh hưởng nặng từ kết quả và triển vọng kinh doanh kém khả quan của đại gia công nghệ Mỹ. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng thận trọng trước dữ liệu sản xuất không tích cực từ Mỹ và Trung Quốc, khiến lo ngại về chu kỳ kinh tế đi xuống gia tăng.
Trong khi đó, với biện pháp mới đưa ra là cấm bán khống của Bắc Kinh, chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục mạnh gần 3,7% trở lại trong phiên giao dịch thứ Ba, giúp chứng khoán Hồng Kông chỉ còn giảm rất nhẹ.
Kết thúc phiên 4/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 27,75 điểm (-0,14%), xuống 20.520,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 5,3 điểm (-0,02%), xuống 24.406,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 133,64 điểm (+3,69%), lên 3.756,54 điểm.
Trên thị trường, dù hồi phục khá tốt trong phiên giao dịch châu Á và châu Âu, cũng như đầu phiên Mỹ, nhưng do đồng USD tăng mạnh đã khiến giá vàng hạ nhiệt vào cuối phiên và đóng cửa chỉ còn tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 4/8, giá vàng giao ngay tăng 1,4 USD (+0,13%), lên 1.087,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 1,3 USD/ounce (+0,12%), lên 1.090,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 3,4 USD (-0,31%), xuống 1.085,9 USD/ounce.
Trong khi đó, sau phiên giảm mạnh đầu tuần, xuống mức thấp nhất 6 tháng do ảnh hưởng bởi dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới, trong khi OPEC không cắt giảm sản lượng và Iran sắp gia nhập thị trường xuất khẩu dầu mỏ thế giới, giá dầu thô đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 4/8, giá dầu thô Mỹ tăng 0,57 USD/thùng (+1,25%), lên 45,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,47 USD (+0,94%), lên 49,99 USD/thùng.