Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán thăng hoa, giá vàng giảm mạnh

(ĐTCK) Hoạt động bắt đáy và sự trở lại của cổ phiếu ô tô, công nghệ sinh học và khai mỏ đã giúp chứng khoán toàn cầu có phiên khởi sắc hôm thứ Tư, trong khi đó, nhiều thông tin bất lợi khiến vàng giảm mạnh. Tuy nhiên, tất cả các thị trường, từ chứng khoán, giá vàng, đến dầu thô đều có quý tồi tệ trong quý III do ảnh hưởng từ những thông tin từ Trung Quốc.

Dữ liệu hôm thứ Tư cho thấy, việc làm tạo thêm trong khu vực tư nhân của Mỹ trong tháng 9 tăng hơn dự kiến, tạo kỳ vọng về bảng lương phi nông nghiệp tích cực sẽ được công bố vào thứ Sáu.

Dữ liệu này cũng càng củng cố khả năng Fed tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2006. Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn cản được phố Wall có phiên giao dịch bùng nổ trong phiên thứ Tư.

Phố Wall tăng mạnh trở lại khi hoạt động bắt đáy các mã bị đánh xuống quá đà trong những phiên vừa qua, cùng với đó là sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ sinh học sau chuỗi giảm mạnh trước đó do các thành viên đảng Dân chủ của Mỹ phản ứng về giá thuốc.

Dù tăng mạnh trong phiên cuối cùng của tháng 9, nhưng chừng đó không đủ giúp phố Wall tránh khỏi tháng giảm điểm và quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Dow Jones tăng 235,57 điểm (+1,47%), lên 16.284,70 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 35,94 điểm (+1,91%), lên 1.920,03 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 102,84 điểm (+2,28%), lên 4.620,16 điểm.

Trong tháng 9, Dow Jones giảm 1,47%, S&P 500 giảm 2,64%, Nasdaq giảm 3,27%. Còn tính trong quý III, các chỉ số này giảm lần lượt 7,58%, 6,94% và 7,35%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng khởi sắc trong phiên thứ Tư sau khi Trung Quốc giảm một nửa thuế doanh thu đối với xe ô tô nhỏ để vực dậy sự tăng trưởng trong thị trường ô tô lớn nhất thế giới, cũng qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của các hãng xe châu Âu, nhiều hãng xe có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, do đó thông tin này đã tác động tích cực tới cổ phiếu của các hãng xe, qua đó đẩy chứng khoán châu Âu tăng mạnh.

Ngoài ra, cổ phiếu của đại gia khai thác mỏ Glencore cũng tăng mạnh trở lại khi hãng cho biết, không có vấn đề gì về khả năng thanh khoản.

Mặc dù vậy, chứng khoán châu Âu cũng có tháng 9 giảm mạnh và quý III giảm mạnh nhất kể từ năm 2011 như phố Wall.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 152,37 (+2,58%), lên 6.061,61 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 210,04 điểm (+2,22%), lên 9.660,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 111,56 điểm (+2,57%), lên 4.455,29 điểm.

Trong tháng 9, FTSE 100 giảm 2,98%, chỉ số DAX giảm 5,84%, CAC 40 giảm 4,25%. Trong quý III, FTSE 100 giảm 7,04%, chỉ số DAX giảm 11,74% và CAC 40 giảm 6,99%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, các thị trường chủ chốt cũng hồi phục trở lại trong phiên thứ Tư, nhưng đà tăng có phần bị hạn chế khi nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc vào thứ Năm và của Mỹ vào thứ Sáu. Bên cạnh đó, sản lượng nhà máy của Nhật Bản bất ngờ giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 8 cũng đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong quý III, giống như chứng khoán Âu, Mỹ, những lo ngại xuất phát từ Trung Quốc cũng khiến chứng khoán châu Á có những phiên chao đảo và kết thúc quý giảm mạnh.

Kết thúc phiên 30/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 457,31 điểm (+2,70%), lên 17.388,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 289,70 điểm (+1,41%), lên 20.846,3 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 14,64 điểm (+0,48%), lên 3.052,78 điểm.

Trong tháng 9, Nikkei 225 giảm 7,95%, chỉ số Hang Seng giảm 3,80%, chỉ số Shanghai Composite giảm 4,78%. Trong quý III, Nikkei 225 giảm 14,07%, chỉ số Hang Seng giảm 20,59%, chỉ số Shanghai Composite giảm 28,63%

Trên thị trường vàng, báo cáo mới nhất của Chính phủ Trung Quốc cho biết, dự trữ vàng nước này vẫn là 54,45 triệu ounce, không đổi so với tháng 8 và tăng 60% kể từ năm 2009, nhưng gần như không nhiều như các nhà phân tích dự đoán. Cơ quan giám sát dự trữ vàng của Trung Quốc cho biết, biến động giá vàng gần đây khiến cho việc dự trữ kim loại quý này không có lợi. Tin tức này đã có tác động không tích cực lên các nhà đầu tư vàng tư nhân trên toàn thế giới.

Bên cạnh đó, báo cáo việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ (ADP) cho thấy, trong tháng 9 có thêm 200.000 việc làm tăng thêm, phù hợp với kỳ vọng của thị trường và đây là con số lạc quan, cho thấy bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu sẽ khả quan.

Theo dự báo của giới phân tích, bảng lương phi nông nghiệp sẽ tăng thêm 200.000 việc làm trong tháng 9, cao hơn so với con số 173.000 trong 8 và đây là cơ sở để củng cố thêm khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới.

Chính những thông tin trên đã khiến vàng giảm mạnh trong phiên thứ Tư, liên tiếp phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ tâm lý của mình và chứng kiến quý giảm mạnh 5% trong quý III.

Kết thúc phiên 30/9, giá vàng giao ngay giảm 12,4 USD (-1,1%), xuống 1.115,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 11,6 USD (-1,03%), xuống 1.115,2 USD/ounce.

Trong tháng 9, giá vàng giao ngay giảm 1,68%, giá vàng tương lai giảm 1,53%. Còn trong quý III, giá vàng giao ngay giảm 4,89%, giá vàng tương lai giảm 5,01%.

Trong khi đó, trên thị trường năng lượng, giá dầu thô lại diễn biến trái chiều nhau. Trong khi giá dầu thô Mỹ giảm do thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh, thì giá dầu thô Brent lại tăng do tình hình căng thẳng ở Syria. Tuy nhiên, trong tháng 9 và cả quý III, giá dầu thô Mỹ và dầu thô Brent đều giảm rất mạnh.

Kết thúc phiên 30/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,14 USD/thùng (-0,31%), xuống 45,09 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,14 USD (+0,29%), lên 48,37 USD/thùng.

Trong tháng 9, giá dầu thô Mỹ giảm 8,35%, giá dầu thô Brent giảm 10,67%. Trong quý III, giá dầu thô Mỹ giảm 24,18% và giá dầu thô Brent mất 23,93%.

Tin bài liên quan