Phố Wall có phiên tăng ấn tượng trong phiên thứ Ba nhờ dữ liệu kinh tế tích cực (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall có phiên tăng ấn tượng trong phiên thứ Ba nhờ dữ liệu kinh tế tích cực (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán thăng hoa, giá vàng đảo chiều

(ĐTCK) Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan giúp chứng khoán khởi sắc và buộc giá vàng đảo chiều trong phiên thứ Ba.

Tuần này là tuần bận rộn với thị trường Mỹ khi hàng loạt dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố. Sau dữ liệu về doanh số bán nhà đã xây dựng và chỉ số ISM Chicago không mấy tích cực được công bố phiên đầu tuần, thị trường Mỹ đã nhận thông tin tích cực trong phiên thứ Ba.

Theo dữ liệu vừa công bố, hợp đồng mới và đơn đặt hàng mới tăng trưởng ổn định trong tháng 2, trong khi hàng tồn kho cũng được cải thiện cho thấy sự ổn định của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chưa dừng lại ở đó, chi tiêu xây dựng trong tháng 1 cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2007 và doanh số bán hàng tự động cũng tăng mạnh trong tháng nhờ được thúc đẩy bởi niềm tin người tiêu dùng lên cao.

Những thông tin kinh tế tích cực trên đã giúp phố Wall có phiên “thăng hoa” khi các chỉ số đều tăng hơn 2%, mức tăng tốt nhất hơn 1 tháng. Trong đó, với việc giành thắng lợi bước đầu trong cuộc chiến pháp lý với FBI, cổ phiếu của Apple đã vọt tăng 3,97%, giúp Nasdaq có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2014 - thời điểm Trung Quốc bắt đầu phá giá đồng nhân dân tệ, gây tâm lý hoang mang trên thị trường tài chính toàn cầu.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Dow Jones tăng 348,58 điểm (+2,11%), lên 16.865,08 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 46,12 điểm (+2,39%), lên 1.978,35 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 131,65 điểm (+2,89%), lên 4.689,6 điểm.

Tương tự chứng phố Wall và chứng khoán châu Á, chứng khoán châu Âu cũng có phiên giao dịch tích cực phiên thứ Ba. Chứng khoán châu Âu tăng điểm nhờ đồng euro giảm, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của khu vực được hưởng lợi.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 55,79 điểm (+0,92%), lên 6.152,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 221,76 điểm (+2,34%), lên  9.717,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 53,29 điểm (+1,22%), lên 4.406,84 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên giảm trước đó, chứng khoán Trung Quốc đã hồi phục tốt trở lại nhờ phản ứng tích cực với thông tin nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc. Việc chứng khoán Trung Quốc hồi phục đã kéo chứng khoán Hồng Kông và Nhật Bản tăng trong phiên thứ Ba, trong đó chứng khoán Nhật Bản đã lấy lại hết những gì đã mất trong phiên đầu tuần.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 58,75 điểm (0,37%), lên 16.085,51 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 295,53 điểm (+1,55%), lên 19.407,46 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 45,19 điểm (+1,68%), lên 2.733,17 điểm.  

Dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan giúp chứng khoán tăng mạnh, trong khi nó khiến vai trò trú ẩn an toàn của vàng bị giảm và kéo giá kim loại quý đảo chiều giảm trở lại sau phiên hồi phục mạnh thứ Hai, cũng như trong phiên châu Á và châu Âu.

Kết thúc phiên 1/3, giá vàng giao ngay giảm 6,6 USD (-0,53%), xuống 1.231,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 3,6 USD (-0,29%), xuống 1.230,8 USD/ounce.

Giá dầu thô lúc đầu cũng tăng khá tốt, nhưng sau đó việc Viên Dầu khí Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 9,9 triệu thùng trong tuần trước, mạnh hơn mức dự báo 3,6 triệu thùng của giới phân tích, lên mức cao kỷ lục mới khiến giá dầu thô quay đầu đảo chiều vào cuối phiên. Trong đó, giá dầu thô Mỹ vẫn giữ được đà tăng khiêm tốn, trong khi giá dầu thô Brent giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 1/3, giá dầu thô Mỹ tăng 0,65 USD (+1,89%), lên 34,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,03%), xuống 35,98 USD/thùng.

Tin bài liên quan