Giới đầu tư đang thận trọng trước những bất ổn tại châu Âu (Ảnh minh họa: AFP)

Giới đầu tư đang thận trọng trước những bất ổn tại châu Âu (Ảnh minh họa: AFP)

Chứng khoán phục hồi yếu ớt, dầu thô tiếp tục giảm sâu

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh tích cực của một số doanh nghiệp vừa công bố giúp chứng khoán Âu, Mỹ phục hồi, nhưng đà tăng bị hãm lại do giá dầu thô tiếp tục giảm sâu. Trong khi đó, sức mạnh của đồng USD khiến giá vàng giảm trở lại từ mức cao nhất 2,5 tháng.

Kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố, tuy nhiên việc giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh đã hạn chế đà tăng của thị trường. Ngoài ra, giới đầu tư cũng thận trọng với những diễn biến mới tại châu Âu khi những lo ngại về vấn đề nợ của Hy Lạp lại dấy lên và những phát biểu của ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp Marine Le Pen.  

Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Dow Jones tăng 37,87 điểm (+0,19%), lên 20.090,29 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,52 điểm (+0,02%), lên 2.293,08 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 10,66 điểm (+0,19%), lên 5.674,22 điểm.

Sau phiên giảm mạnh trước đó do ảnh hưởng của giá dầu và phát biểu của ứng viên tranh cử Tổng thống Pháp của đảng Mặt trận quốc gia Pháp về việc ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu, chứng khoán châu Âu đã phục hồi trở lại trong phiên thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố. Tuy nhiên, chứng khoán Pháp chưa thoát khỏi đà giảm do ảnh hưởng từ cổ phiếu BNP Paribas sau khi công bố lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng.

Kết thúc phiên 7/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,07 điểm (+0,20%), lên 7.186,22 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 39,60 điểm (+0,34%), lên 11.549,44 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 23,61 điểm (-0,49%), xuống 4.754,47 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau phiên tăng điểm tốt đầu tuần, các thị trường chính trong khu vực đều quay đầu giảm trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng từ phiên giảm mạnh trước đó của chứng khoán toàn cầu. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm còn do đồng yên tăng và cổ phiếu Toyota giảm sau báo cáo lợi nhuận sụt giảm.

Trong khi đó, đà giảm của chứng khoán Hồng Kông được hạn chế rất nhiều nhờ lực cầu mạnh từ Trung Quốc đại lục. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã sử dụng hơn 20% hạn ngạch (rót tiền vào chứng khoán Hồng Kông) trong phiên thứ Ba, cao hơn nhiều so với mức trung bình 11% trong tháng Giêng.

Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đảo chiều giảm trở lại sau thông tin Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra hướng dẫn, thúc giục các ngân hàng thương mại kiểm soát hạn ngạch tín dụng kể từ tháng 2. Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đã tăng lãi suất ngắn hạn.

Kết thúc phiên 7/2, chỉ số Nikkie 225 giảm 65,93 điểm (-0,35%), xuống 18.910,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 16,67 điểm (-0,07%), xuống 23.331,57 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 3,89 điểm (-0,12%), xuống 3.153,09 điểm.

Dù những rủi ro về chính trị đang dâng cao, nhất là tại châu Âu, nhưng việc này lại đẩy đồng USD tăng mạnh lên mức cao nhất 1 tuần và khiến giá vàng không thể tận dụng được cơ hội để có phiên tăng giá thứ 4 liên tiếp. Trong phiên thứ Ba, giá vàng đã hạ nhiệt do sức ép từ đồng USD, sau khi leo lên mức cao nhất 2,5 tháng hôm thứ Hai.

Kết thúc phiên 7/2, giá vàng giao ngay giảm 1,8 USD (-0,15%), xuống 1.233,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2017 tăng 4,2 USD (+0,34%), lên 1.234,2 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên thứ Ba sau thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng mạnh. Cụ thể, theo số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước tăng tới 14,2 triệu thùng. Nếu số liệu được Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra vào thứ Tư khẳng định con số này, thì kho dự trữ dầu thô của Mỹ sẽ lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2016.

Kết thúc phiên 7/2, giá dầu thô Mỹ giảm 0,84 USD/thùng (-1,58%), xuống 52,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 0,67 USD (-1,20%), xuống 55,05 USD/thùng.

Tin bài liên quan